Ghép tim là phẫu thuật thay thế tim bị suy bằng một quả tim từ người hiến tặng phù hợp. Ghép tim đã trở thành liệu pháp ưu tiên cho một số bệnh nhân mắc bệnh tim nặng giai đoạn cuối, với tỷ lệ sống sót sau 1 năm lên đến gần 90%. Hiện nay, nhu cầu ghép tim khá cao nhưng số lượng tim hiến tặng đạt tiêu chuẩn còn hạn chế nên hằng năm có hơn 50.000 bệnh nhân đang chờ đợi để được phẫu thuật.
Ghép tim là phẫu thuật trong thay thế trái tim bị hỏng hóc, suy kiệt bằng một trái tim hiến tặng khỏe mạnh hơn. Ghép tim là phương pháp điều trị thường dành cho những bệnh nhân mà tình trạng của họ không được cải thiện tích cực bằng thuốc hoặc các phẫu thuật khác.
Mặc dù ghép tim là một ca đại phẫu, nhưng cơ hội sống sót của bệnh nhân thường rất cao nếu được chăm sóc theo dõi tích cực.
Các chỉ định chung cho việc ghép tim bao gồm chức năng tim xấu đi và tiên lượng sống dưới 1 năm. Các chỉ định cụ thể bao gồm:
Bệnh cơ tim phì đại;
Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ;
Bệnh tim bẩm sinh không thể hoặc điều trị thất bại với các phương pháp khác;
Phân suất tống máu dưới 20%;
Đau thắt ngực khó chữa hoặc rối loạn nhịp tim ác tính mà liệu pháp thông thường không hiệu quả;
Sức cản mạch máu phổi dưới 2 đơn vị Wood;
Tuổi < 65 tuổi.
Bên cạnh những rủi ro khi phẫu thuật tim hở, như chảy máu, nhiễm trùng và huyết khối, những rủi ro khác của ghép tim bao gồm:
Thải ghép tim hiến tặng:
Một trong những rủi ro đáng lo ngại nhất sau khi ghép tim là cơ thể người nhận từ chối trái tim hiến tặng.
Hệ thống miễn dịch có thể coi tim hiến tặng như một vật thể lạ và cố gắng từ chối, làm tổn thương tim. Mọi bệnh nhân ghép tim đều phải dùng thuốc để ngăn chặn sự đào thải (thuốc ức chế miễn dịch).
Sự thải ghép thường xảy ra mà không có triệu chứng. Để xác định xem liệu cơ thể có đang từ chối trái tim mới hay không, phải sinh thiết tim thường xuyên trong năm đầu tiên sau khi cấy ghép.
Ghép sơ cấp thất bại:
Với tình trạng này, nguyên nhân tử vong thường xuyên nhất trong vài tháng đầu sau khi cấy ghép là tim của người hiến tặng không hoạt động.
Các vấn đề với động mạch:
Sau khi cấy ghép, thành của các động mạch trong tim có thể dày lên và cứng lại, dẫn đến bệnh mạch máu toàn bộ cơ tim, làm cho quá trình lưu thông máu qua tim trở nên khó khăn và gây ra nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc đột tử do tim.
Tác dụng phụ của thuốc:
Thuốc ức chế miễn dịch cần dùng trong suốt phần đời còn lại có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng và các vấn đề khác.
Ung thư:
Thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là ung thư da và ung thư hạch không Hodgkin.
Nhiễm trùng:
Thuốc ức chế miễn dịch làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Nhiều người ghép tim bị nhiễm trùng buộc họ phải nhập viện trong năm đầu tiên sau khi phẫu thuật.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Ghép tim được thực hiện khi các phương pháp điều trị bệnh lý về tim khác không hiệu quả, dẫn đến suy tim. Ở người lớn, suy tim có thể do:
Cơ tim suy yếu (bệnh cơ tim);
Bệnh động mạch vành;
Bệnh van tim;
Bệnh tim bẩm sinh (dị tật tim bẩm sinh);
Nhịp tim bất thường tái phát nguy hiểm (loạn nhịp thất) không được kiểm soát bởi các phương pháp điều trị khác;
Thất bại của ca ghép tim trước đó.
Ở trẻ em, suy tim thường do dị tật tim bẩm sinh hoặc bệnh cơ tim gây ra.
Tại các bệnh viện lớn, có thể thực hiện đồng thời ghép nội tạng khác cùng lúc với ghép tim (ghép đa tạng) ở những người mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Ghép đa tạng bao gồm:
Ghép tim - thận.
Ghép tim - gan.
Ghép tim - phổi. Hiếm khi thực hiện trừ trường hợp bệnh không thể được điều trị chỉ bằng cách ghép tim hoặc ghép phổi.
Tuy nhiên, không thể chỉ định ghép tim cho tất cả mọi bệnh nhân. Đối tượng không phù hợp để ghép tim gồm:
Tuổi cao, khó có khả năng phục hồi sau phẫu thuật;
Mắc bệnh lý khác có khả năng rút ngắn tuổi thọ, như bệnh thận, gan hoặc phổi nghiêm trọng;
Nhiễm trùng đang hoạt động;
Tiền sử bệnh ung thư gần đây;
Không muốn hoặc không thể thay đổi lối sống cần thiết để giữ cho trái tim hiến tặng khỏe mạnh, như không sử dụng thuốc kích thích, không hút thuốc và hạn chế dùng rượu.
Thiết bị hỗ trợ tâm thất
Đối với một số người không thể ghép tim, bị hỗ trợ tâm thất (VAD) là một lựa chọn thay thế. VAD là một máy bơm cơ học được cấy vào ngực để giúp bơm máu từ các tâm thất đến phần còn lại của cơ thể.
VAD thường là phương pháp điều trị tạm thời cho những người chờ ghép tim. Những thiết bị này ngày càng được sử dụng để điều trị lâu dài cho những người bị suy tim nhưng không đủ điều kiện ghép tim. Nếu VAD không giúp ích cho tim, các bác sĩ đôi khi có thể xem xét thay tim nhân tạo toàn phần như một phương pháp điều trị ngắn hạn thay thế trong khi chờ ghép tim.
Mọi đối tượng mắc bệnh lý nghiêm trọng ở tim đều có nguy cơ phải phẫu thuật ghép tim.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ Ghép tim, bao gồm:
Đồng mắc nhiều bệnh lý mãn tính có khả năng ảnh hưởng đến tim;
Tuổi cao;
Suy giảm khả năng miễn dịch.
Đánh giá ứng viên ghép tim bằng các xét nghiệm, hình ảnh học và các cận lâm sàng khác nếu cần.
Xét nghiệm
Virus: Bao gồm virus viêm gan, virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus Epstein-Barr (EBV) và cytomegalovirus (CMV); xác định phơi nhiễm trong quá khứ và bệnh hiện đang hoạt động.
Nấm và bệnh lao (TB): Xác định phơi nhiễm trong quá khứ và dự đoán sự tái hoạt.
Kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA): Nếu tăng cao, bắt đầu đánh giá và điều trị trước khi hoàn thành đánh giá để cấy ghép.
Xét nghiệm Papanicolaou (phết tế bào cổ tử cung): Kết quả âm tính trước khi đưa vào danh sách cấy ghép.
Công thức máu toàn bộ (CBC): Gồm cả số lượng tiểu cầu, thời gian prothrombin (PT), thời gian thromboplastin một phần được kích hoạt (aPTT) và các thông số khác (như men gan, nồng độ lipid và phân tích nước tiểu).
Đánh giá và sàng lọc máu, xét nghiệm trạng thái tiền mẫn cảm (PRA) và trạng thái tương hợp mô: Xác định sự phù hợp về mặt miễn dịch học của bệnh nhân nhận tạng với người hiến tặng.
Hình ảnh học
Chụp động mạch vành: Được thực hiện trong các trường hợp bệnh cơ tim để xác định nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng tim có thể phù hợp với các liệu pháp thông thường hay không.
Siêu âm tim: Xác định phân suất tống máu của tim và theo dõi chức năng tim của bệnh nhân trong danh sách chờ ghép.
X quang ngực sau và bên: Sàng lọc các bệnh lý lồng ngực khác có thể cản trở việc cấy ghép.
Chụp X quang tuyến vú hai bên: Phát hiện bất thường trước khi đưa vào danh sách cấy ghép.
Đánh giá tim và phổi
Mức tiêu thụ oxy tĩnh mạch tối đa (MVO2): Đánh giá chức năng tim tổng thể và là một yếu tố dự đoán mức độ nghiêm trọng của suy tim sung huyết và khả năng sống sót.
Đặt catheter tim phải và trái: Xác định xem quá trình bệnh có thể đảo ngược hoặc có thể điều trị bằng liệu pháp thông thường hơn hay không.
Sức cản mạch máu phổi: Những bệnh nhân có sức cản trên 4 đơn vị Wood không phải là ứng viên để ghép tim.
Sinh thiết
Sinh thiết nội tâm mạc của ứng cử viên tiềm năng không được thực hiện thường quy. Thủ thuật có thể được xem xét nếu bệnh toàn thân liên quan đến tim được cho là nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim.
Thực hiện sinh thiết các vùng thích hợp nếu bệnh nhân có biểu hiện bệnh toàn thân. Sinh thiết được sử dụng để xác định mức độ và hoạt động của bệnh. Các bệnh toàn thân là một chống chỉ định ghép tim.
Phẫu thuật ghép tim
Đây là một phẫu thuật mở, mất vài giờ. Nếu bệnh nhân đã từng phẫu thuật tim trước đó, thì phẫu thuật phức tạp hơn và sẽ lâu hơn.
Bệnh nhân được gây mê toàn thân trước khi bắt đầu. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ kết nối với máy tim - phổi nhân tạo để giữ cho máu giàu oxy lưu thông khắp cơ thể.
Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường trên ngực, tách xương lồng ngực và mở khung xương sườn để lộ tim.
Sau đó, bác sĩ loại bỏ trái tim bị bệnh và đưa trái tim của người hiến tặng vào đúng vị trí, nối các mạch máu chính vào trái tim hiến tặng. Trái tim mới thường bắt đầu đập khi lưu lượng máu được phục hồi. Đôi khi cần phải sốc điện để tim người hiến tặng đập bình thường.
Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để giúp kiểm soát cơn đau sau khi phẫu thuật, thở bằng máy thở, lắp các ống trong ngực để thoát chất lỏng ra khỏi phổi và tim. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng sẽ được truyền nước và thuốc qua đường tĩnh mạch (IV).
Hậu phẫu
Ban đầu, bệnh nhân sẽ ở trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong vài ngày, sau đó được chuyển đến phòng bệnh thông thường. Có thể cần ở lại bệnh viện trong một hoặc hai tuần. Thời gian ở ICU và nằm viện khác nhau ở mỗi người.
Sau khi xuất viện, bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân với tần suất tái khám cao trong ba tháng đầu để phát hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng thải ghép hoặc nhiễm trùng nào, như khó thở, sốt, mệt mỏi, lượng nước tiểu ít hoặc tăng cân. Sau đó, số lần tái khám sẽ giảm dần.
Để xác định liệu cơ thể có đang từ chối trái tim mới hay không, cần phải sinh thiết tim thường xuyên trong vài tháng đầu tiên sau khi ghép tim lúc có nhiều khả năng xảy ra đào thải nhất. Tần suất sinh thiết giảm dần theo thời gian.
Khi sinh thiết tim, bác sĩ sẽ luồn một ống vào tĩnh mạch ở cổ hoặc bẹn và hướng nó đến tim của bệnh nhân. Bác sĩ chạy một thiết bị sinh thiết qua ống để lấy một mẫu mô tim rất nhỏ và kiểm tra.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể cần phải sử dụng:
Thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporin, tacrolimus, mofetil, azathioprine, belatacept...):
Những loại thuốc này làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch để ngăn tấn công trái tim hiến tặng. Bệnh nhân sẽ dùng loại thuốc này trong suốt phần đời còn lại.
Vì thuốc ức chế miễn dịch khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh, kháng virus và kháng nấm. Một số loại thuốc có thể làm trầm trọng thêm hoặc làm tăng nguy cơ tiến triển các tình trạng như huyết áp cao, cholesterol cao, ung thư hoặc tiểu đường. Theo thời gian, khi nguy cơ đào thải giảm, liều lượng và số lượng thuốc chống thải ghép có thể giảm.
Quản lý thuốc và kế hoạch chăm sóc suốt đời. Sau khi ghép tim, việc dùng tất cả các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân theo kế hoạch chăm sóc suốt đời là rất quan trọng.
Thói quen dùng thuốc hàng ngày có thể hữu ích:
Luôn mang theo danh sách tất cả các loại thuốc khi thăm khám và trong trường hợp cần nhập viện khẩn cấp. Kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê đơn, vitamin, chất bổ sung hoặc các sản phẩm thảo dược.
Bác sĩ cung cấp các hướng dẫn về lối sống:
Các khuyến nghị bao gồm bôi kem chống nắng, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và cẩn thận để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bác sĩ cũng khuyến nghị không hút thuốc lá hoặc thuốc kích thích và hạn chế sử dụng rượu.
Thực hiện theo tất cả các hướng dẫn, tái khám thường xuyên và cho bác sĩ biết nếu có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của biến chứng.
Phục hồi chức năng tim:
Chương trình này kết hợp tập thể dục và giáo dục để giúp cải thiện sức khỏe và phục hồi sau khi ghép tim. Phục hồi chức năng tim có thể giúp bệnh nhân lấy lại sức lực và cải thiện chất lượng cuộc sống. Có thể bắt đầu trước khi xuất viện.
Kết quả
Hầu hết những người được ghép tim đều có cuộc sống chất lượng. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể tiếp tục nhiều hoạt động cuộc sống hàng ngày, như làm việc, sở thích và thể thao thể dục. Thảo luận với bác sĩ những hoạt động thích hợp.
Một số phụ nữ đã được cấy ghép tim có thể mang thai. Tuy nhiên, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu đang nghĩ đến việc có con sau khi cấy ghép. Có thể cần điều chỉnh thuốc trước khi mang thai, vì một số loại thuốc có thể gây ra các biến chứng thai kỳ.
Tỷ lệ sống sót sau khi ghép tim thay đổi dựa trên một số yếu tố. Tỷ lệ sống sót tiếp tục được cải thiện mặc dù sự gia tăng ở những người ghép tim lớn tuổi và có nguy cơ cao hơn. Trên toàn thế giới, tỷ lệ sống sót chung là khoảng 90% sau 1 năm và khoảng 80% sau 5 năm ở người lớn.
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị và sử dụng thuốc để tránh xảy ra thải ghép cũng như các biến chứng nguy hiểm khác.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát huyết áp, giảm căng thẳng, duy trì cân nặng hợp lý, giúp xương chắc khỏe và tăng cường chức năng thể chất. Tập các bài phục hồi chức năng tim theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp cải thiện sức bền, sức mạnh và khả năng vậng động.
Tập thể dục bao gồm các bài tập khởi động như kéo căng hoặc đi bộ chậm. Ngoài ra cũng có thể đi bộ, đi xe đạp, rèn luyện sức mạnh và các bài tập thể dục khác.
Tạm ngừng tập thể dục khi cảm thấy mệt mỏi. Nếu xuất hiện các triệu chứng như khó thở, buồn nôn, nhịp tim không đều hoặc chóng mặt, hãy ngừng tập thể dục. Nếu các triệu chứng này không biến mất, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Chế độ dinh dưỡng:
Sau khi cấy ghép tim, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống để giữ cho tim khỏe mạnh và hoạt động tốt. Duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp tránh các biến chứng như huyết áp cao, bệnh tim và tiểu đường.
Các khuyến cáo về dinh dưỡng bao gồm:
Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và bao gồm nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật;
Ăn nhiều trái cây và rau mỗi ngày;
Ăn thịt nạc, chẳng hạn như cá hoặc gia cầm;
Chọn thực phẩm có hàm lượng natri (muối), chất béo và đường nhân tạo từ thấp - trung bình;
Chọn thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt;
Chọn chất béo có lợi cho tim, chẳng hạn như trong bơ, cá hồi và các loại hạt;
Uống sữa ít béo hoặc không có chất béo, ăn các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo khác, để giúp duy trì đủ calci trong cơ thể;
Tránh các loại trái cây có thể ảnh hưởng đến thuốc dùng sau khi cấy ghép. Ví dụ như bưởi chùm, cam chua và lựu;
Tuân theo các hướng dẫn về an toàn thực phẩm để giảm nguy cơ nhiễm trùng;
Uống đủ nước lọc và các loại nước khác khác mỗi ngày.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý mãn tính có khả năng ảnh hưởng đến tim cần tuân thủ điều trị và thăm khám thường xuyên để phát hiện ra những bất thường và kịp thời xử lý tránh bệnh tiến triển nặng.
Có lối sống lành mạnh, tập thể dục và vận động điều độ.
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá; hạn chế sử dụng rượu bia và caffeine.