Đau vùng thắt lưng là một bệnh rất phổ biến, cơn đau thường gây ra những hậu quả nặng nề, làm người bệnh không thể đứng thẳng, thậm chí di chuyển cũng rất khó khăn. Đau lưng kéo dài nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nặng nề, làm tăng thời gian điều trị, tăng chi phí và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng được chia thành hai nhóm chính: Do nguyên nhân cơ học (mechanical low back pain) hoặc là triệu chứng của một bệnh toàn thể. Đau cột sống thắt lưng do nguyên nhân cơ học có thể kèm đau thần kinh hông to (hay còn gọi là thần kinh tọa) mà nguyên nhân thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm.
Đau vùng thắt lưng là thuật ngữ để chỉ các triệu chứng đau khu trú tại vùng giữa khoảng xương sườn 12 và nếp lằn liên mông, một hoặc hai bên. Ðau cột sống thắt lưng là một bệnh lý thường gặp trong thực hành lâm sàng do rất nhiều nguyên nhân gây ra, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi trung niên, người già nhưng hiện nay đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa do lối sống thiếu vận động.
Đau thắt lưng kiểu cơ học, có kèm hoặc không kèm theo đau thần kinh tọa. Đau có thể lan tỏa toàn bộ cột sống thắt lưng, ở vùng đai, lưng hoặc một bên. Hoặc đau lan về mào chậu hoặc xuống phía dưới xương vùng, hoặc về phía mông. Mức độ đau tùy trường hợp. Có thể biểu hiện bởi đau, cảm giác nặng hoặc bỏng rát,…
Các yếu tố ảnh hưởng: Đau tăng khi gắng sức, đứng lâu, khi gấp thân, khi ngồi, khi ngủ trên giường mềm; và ngược lại: Giảm đau khi bỏ gắng sức, nằm tư thế hợp lý, nằm giường cứng… đáp ứng tốt với thuốc chống viêm không steroid.
Thời điểm đau: Hầu như liên quan đến thay đổi thời tiết. Nếu ở phụ nữ, có thể liên quan đến thời kì trước hành kinh. Bệnh nhân đau vào buổi tối, khi đi ngủ. Một số trường hợp sau ngủ dậy hết hẳn đau, tuy nhiên có một số bệnh nhân chỉ đau ít và nhanh chóng hết đau sau một vài động tác vận động đơn giản.
Đau cấp tính nếu thời gian xuất hiện triệu chứng < 4 tuần, bán cấp (4 – 12 tuần), mạn tính (>12 tuần).
Đau vùng thắt lưng “triệu chứng” là đau cột sống thắt lưng do một bệnh lý nào khác, hoặc của cột sống thắt lưng, hoặc của cơ quan lân cận. Thường đau kiểu viêm, có biểu hiện một số triệu chứng của bệnh là nguyên nhân gây đau (viêm, ung thư…).
Tuổi khởi phát triệu chứng dưới 20 hoặc trên 50 tuổi. Khởi phát đột ngột ở người không có đau cột sống thắt lưng cấp hay mạn trước đó.
Đau không ở vùng thấp của cột sống thắt lưng mà ở vùng cao, hoặc kèm theo đau vùng mông, cột sống phía trên, lan ra xương sườn… Đau không giảm mà tăng dần, không đỡ hoặc có các cơn đau khó chịu trên nền đau thường xuyên. Không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường. Thời gian đau > 6 tuần. Đau kiểu viêm: Đau thường xuyên, không tìm được tư thế giảm đau. Đau tồn tại ban đêm, thậm chí tăng về đêm, đôi khi chỉ đau nửa đêm về sáng, buộc bệnh nhân phải thức dậy vì đau.
Đau thắt lưng có thể xảy ra bất chợt hoặc tiến triển âm ỉ theo thời gian. Gây ra sự khó chịu, cản trở việc đi lại, cử động hàng ngày. Thậm chí là những biến chứng nguy hiểm như teo cơ, bại liệt.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Các nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng được chia làm hai nhóm chính: Đau cột sống thắt lưng do nguyên nhân cơ học và đau cột sống thắt lưng do một bệnh toàn thân (đau cột sống thắt lưng triệu chứng):
Nguyên nhân cơ học:
Bao gồm các nguyên nhân tương ứng với các bệnh lý cơ giới, có thể ảnh hưởng tới cơ, đĩa đệm, các khớp liên mấu. Các nguyên nhân này chiếm tới 90 – 95% số nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng cấp tính, diễn biến thường lành tính. Nhóm nguyên nhân cơ học gồm: Thoái hóa đốt sống (hư đốt sống); thoát vị đĩa đệm (hư đĩa đệm); trượt đốt sống; hẹp ống sống; các chứng gù vẹo cột sống.
Nguyên nhân do một bệnh toàn thể:
Các bệnh do thấp: Viêm khớp phản ứng và các bệnh khác trong nhóm bệnh lý cột sống; viêm cột sống dính khớp; xơ xương lan tỏa tự phát.
Nguyên nhân do nhiễm khuẩn: Viêm đĩa đệm cột sống do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Viêm đĩa đệm cột sống do lao; áp xe cạnh cột sống; áp xe ngoài màng cứng; viêm khớp cùng chậu do vi khuẩn.
Nội tiết: Loãng xương; nhuyễn xương; cường cận giáp trạng.
U lành tính và U ác tính: U mạch; bệnh đa tủy xương; ung thư nguyên phát; di căn ung thư vào cột sống thắt lưng; u ngoài màng cứng; u não; u thần kinh nội tủy; u dạng xương.
Nguyên nhân từ nội tạng: Sinh dục (viêm u tuyến tiền liệt, viêm phần phụ); tiêu hóa (viêm tụy cấp, viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư ruột, phình động mạch chủ); tiết niệu (sỏi thận, ứ nước ứ mủ bể thận, viêm quanh thận).
Nguyên nhân khác: Tâm thần, xơ tủy xương.
Những người làm nghề chân tay nặng nhọc hoặc hoạt động thể thao quá sức (công nhân bốc vác, công nhân mỏ, nghệ sĩ xiếc, bale, cử tạ…) sẽ dễ xuất hiện và tái phát bệnh hơn.
Các yếu tố nguy cơ khác là tuổi tác, hoạt động thể lực quá mức, hút thuốc lá, béo phì, lối sống tĩnh tại, yếu tố tâm lý, làm việc trong tư thế xấu, gò bó, rung sóc, chấn thương, mang vác nặng ở tư thế sai,.. đóng vai trò nhất định trong thúc đẩy xuất hiện và tái phát của bệnh.
Chẩn đoán nguyên nhân đau thắt lưng dựa trên các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm.
Triệu chứng lâm sàng
Đau thắt lưng do nguyên nhân cơ học:
Do căng giãn dây chằng quá mức: Đau xuất hiện đột ngột sau bê vật nặng, sau các hoạt động sai tư thế (lao động tay chân kéo dài, đi guốc cao gót…), rung xóc do đi xe đường dài, sau một cử động đột ngột hoặc sau nhiễm lạnh. Đau có tính chất cơ học, kèm theo co cứng cơ cạnh cột sống, ấn có điểm đau cạnh cột sống, cột sống mất đường cong sinh lý.
Do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Thường có kèm theo triệu chứng của đau thần kinh hông to. Trường hợp có chèn ép nặng người bệnh có thể có rối loạn cơ tròn, phản xạ gân xương chi dưới giảm hoặc mất, nếu đau kéo dài có thể có teo cơ đùi và cẳng chân.
Cận lâm sàng: Các xét nghiệm phát hiện dấu hiệu viêm, bilan phospho – calci thường trong giới hạn bình thường. X-quang thường quy bình thường hoặc có thể có các hình ảnh hẹp các khe liên đốt, gai xương ở thân đốt sống hoặc đốt sống bị lún xẹp do loãng xương.
Đau thắt lưng không do nguyên nhân cơ học:
Người bệnh thường có các triệu chứng khác kèm theo như: Sốt, dấu hiệu nhiễm trùng hoặc gầy sút nhanh, đau ngày càng tăng, không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường… Khi có dấu hiệu chỉ điểm của một bệnh toàn thân liên quan đến đau vùng thắt lưng, cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng khác để chẩn đoán nguyên nhân.
Đau thắt lưng do nguyên nhân tâm lý:
Dấu hiệu đau thắt lưng xuất hiện sau các stress do áp lực của tâm lý hoặc lao động thể lực quá sức, sau đó chuyển thành đau thắt lưng mạn tính dai dẳng. Cần loại trừ các bệnh thực thể gây đau thắt lưng trước khi chẩn đoán do nguyên nhân tâm lý.
Cận lâm sàng:
Xét nghiệm: Công thức máu, tốc độ máu lắng, CRP, bilan phosphor-calci, phosphatase kiềm, điện di protein huyết thanh, tổng phân tích nước tiểu.
Chẩn đoán hình ảnh: X-quang, CT và MRI, siêu âm, chụp xạ hình.
Đau vùng thắt lưng là triệu chứng của bệnh toàn thể nên điều trị theo nguyên nhân.
Điều trị đau vùng thắt lưng do nguyên nhân cơ học:
Thuốc chống viêm không steroid: Diclofenac (Voltarene), Meloxicam (Mobic), Celecoxib (Celebrex), Etoricoxib (Arcoxia).
Thuốc giảm đau: Paracetamol, Tylenol; Paracetamol + Codein (Efferalgan Codein); Paracetamol + Tramadol (Ultracet).
Thuốc giãn cơ: Thiocolchicosid (Coltramyl), Eperison (Myonal), Tolperison (Mydocalm).
Các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tránh tái phát đau cột sống thắt lưng.
Phẫu thuật: Các trường hợp có ép rễ hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 3 tháng, cần gửi các cơ sở chuyên khoa làm thăm dò xác định tình trạng tổn thương và xét chỉ định phẫu thuật. Các biện pháp phẫu thuật điều trị đau thắt lưng phổ biến là cắt cung sau, cắt bỏ đĩa đệm bị thoát vị, giải phóng lỗ liên hợp, kết hợp đốt sống.
Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Vật lý trị liệu bao gồm chườm nóng, đắp bùn nóng, chườm đá, thủy liệu pháp, siêu âm, kích thích điện, xoa bóp, tác động cột sống, kéo giãn cột sống, châm cứu, kích thích thần kinh bằng điện qua da.
Nghỉ ngơi hoàn toàn (nằm trên giường) trong 2 – 3 ngày và nghỉ tương đối sau đó. Bắt đầu các động tác phục hồi chức năng (bài tập kéo giãn mạnh cơ và thể dục nhịp điệu) để điều chỉnh các tư thế xấu của cột sống. Nếu bệnh nhân có trượt đốt sống, cần có các bài tập làm tăng sức mạnh cơ lưng – bụng, đeo thắt lưng chỉnh hình cách quãng hoặc thường xuyên.
Cần tránh tuyệt đối các động tác thể thao hay vận động quá mức và tránh các nghề như lái mô tô, máy kéo,… Tránh các thể thao như golf, bóng chuyền, bóng bầu dục, tennis, trượt tuyết, mang balo nặng đi bộ. Ngược lại, cho phép bơi, hay đi bộ, đạp xe trên nền phẳng. Không nên tập luyện quá sức.
Các tư thế làm việc, các vận động bất thường, đột ngột, các yếu tố làm mất cân bằng tư thế cột sống như quá ưỡn cột sống thắt lưng, quá vặn, quá nghiêng… đều cần được điều chỉnh.
Chế độ dinh dưỡng:
Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn bao gồm đủ canxi và vitamin D, vì những chất này cần thiết cho sức khỏe của xương. Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân, không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống.
Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân.
Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác.
Tập thể dục thường xuyên.
Ngừng hút thuốc lá do hút thuốc và nicotin làm giảm dòng máu đến cột sống thắt lưng, gây thoái hóa đĩa đệm.
Người béo phì cần được tư vấn để giảm cân.
Dùng giày bệt ít gây căng thẳng cho lưng hơn.
Giường: Bạn nên có một tấm nệm để giữ cho cột sống của bạn thẳng, đồng thời nâng đỡ trọng lượng của vai và mông. Dùng một cái gối, nhưng không nên để gối ép cổ bạn vào một góc dốc.