Bệnh / Cơ - Xương-Khớp/ phong tê thấp

phong tê thấp

Phong tê thấp là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Phong tê thấp, còn được gọi với tên phổ biến hơn là phong thấp, là một bệnh về xương khớp. Bệnh này có liên quan trực tiếp đến yếu tố tự miễn, là một dạng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Phong tê thấp thường bắt đầu với việc sưng, nóng và đau ở khớp. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các khớp sẽ bị biến dạng hoặc phá hủy dẫn đến mất khả năng vận động, tàn phế.

Tìm hiểu chung

Phong tê thấp là gì? 

Phong tê thấp là một rối loạn tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh của cơ thể. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là viêm đối xứng các khớp ngoại vi (ví dụ: Khớp cổ tay, khớp ngón tay), sau đó là sự hủy hoại tiến triển của cấu trúc khớp và thường đi kèm với các triệu chứng toàn thân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phong tê thấp

Phong tê thấp thường khởi phát từ từ, bắt đầu với các triệu chứng toàn thân và khớp. Các triệu chứng toàn thân bao gồm cứng khớp buổi sáng, mệt mỏi vào buổi chiều và biếng ăn, yếu cơ và đôi khi sốt nhẹ. Các triệu chứng khớp bao gồm đau, sưng và cứng khớp. Đôi khi, bệnh bắt đầu đột ngột, giống như một hội chứng cấp tính do virus.

Bệnh tiến triển nhanh nhất trong 6 năm đầu, đặc biệt là năm đầu tiên; 80% bệnh nhân có một số tổn thương khớp vĩnh viễn trong vòng 10 năm. Diễn biến không thể đoán trước ở từng bệnh nhân.

Các triệu chứng khớp có tính đối xứng. Thông thường, cứng khớp kéo dài > 60 phút sau khi dậy vào buổi sáng nhưng có thể xảy ra sau bất kỳ hoạt động kéo dài nào (gọi là gelling). Các khớp tổn thương bị sưng nóng, đỏ, đau và hạn chế vận động. Các khớp bị ảnh hưởng chủ yếu như:

  • Cổ tay, khớp bàn tay và khớp ngón tay của ngón 2 và 3 (hay gặp nhất).
  • Khớp gần đầu ngón.
  • Khớp bàn chân, khớp ngón chân.
  • Khớp vai.
  • Khớp khuỷu.
  • Khớp háng.
  • Khớp gối.
  • Khớp cổ chân.

Tuy nhiên, hầu như bất kỳ khớp nào, ngoại trừ khớp gian đốt xa (DIP), đều có thể bị ảnh hưởng. Cột sống ít bị ảnh hưởng trừ cột sống cổ. Có thể phát hiện dày màng bao hoạt dịch. Các khớp thường được giữ ở tư thế gấp để giảm đau do căng bao khớp.

Các dị tật cố định, đặc biệt là chứng co cứng, có thể phát triển nhanh chóng; có thể xảy ra các biến chứng như biến dạng cổ thiên nga và biến dạng boutonnière. Tình trạng mất ổn định khớp do bao khớp bị kéo căng cũng có thể xảy ra.

Viêm màng bao hoạt dịch khớp cổ tay chèn ép dây thần kinh giữa có thể gây ra hội chứng ống cổ tay. Các u nang ở bắp chân (baker) có thể phát triển, gây sưng và đau bắp chân, gợi ý đến huyết khối tĩnh mạch sâu.

Biểu hiện ngoài khớp

Các nốt thấp khớp dưới thường không phải là dấu hiệu ban đầu nhưng cuối cùng phát triển ở 30% bệnh nhân, thường ở các vị trí bị tì đè và kích ứng mãn tính (ví dụ: Bề mặt duỗi của cẳng tay, khớp xương ức, chẩm).

Các nốt nội tạng (ví dụ: Nốt ở phổi), thường không có triệu chứng, xảy ra trong viêm khớp nặng. Các nốt viêm khớp ở phổi không thể phân biệt được với các nốt ở phổi có nguyên nhân khác mà không cần sinh thiết.

Các dấu hiệu ngoài khớp khác gồm có viêm mạch máu gây loét chân hoặc bệnh viêm một dây thần kinh, tràn dịch màng phổi hoặc màng tim, thâm nhiễm phổi hoặc xơ nang, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, xâm nhập viêm và xơ hóa phổi, hạch to, hội chứng Felty, hội chứng Sjögren, nhuyễn củng mạc và viêm thượng củng mạc.

Tác động của phong tê thấp đối với sức khỏe 

Phong tê thấp làm giảm tuổi thọ trung bình từ 3 đến 7 năm, phần lớn do bệnh tim, nhiễm trùng và xuất huyết tiêu hóa. Nên kiểm soát mức độ của bệnh để làm giảm nguy cơ xảy ra bệnh tim mạch ở tất cả các bệnh nhân bị phong tê thấp. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh phong tê thấp

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì bệnh lý này rất dễ phát sinh biến chứng. Phong tê thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh trên hệ thần kinh, tim mạch, phổi, viêm mạch máu, cùng với đó, bệnh có thể gây biến dạng cột sống, mất hẳn khả năng vận động.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến phong tê thấp

Thay đổi nội tiết tố

Phổ biến hơn ở chị em phụ nữ. Sự mất cân bằng giữa estrogen và progesterone được cho là có liên quan trực tiếp đến sự khởi phát bệnh phong tê thấp.

Yếu tố di truyền

Chiếm tới khoảng 50 - 60% nguyên nhân gây bệnh. HLA-DR, PTPN22, PADI4 là một số gen được các nhà nghiên cứu cho rằng có sự liên quan mật thiết đến bệnh phong tê thấp.

Yếu tố truyền nhiễm

Sự tấn công của các virus cúm, virus Epstein-Barr có thể khiến bệnh khởi phát.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như gặp chấn thương, sử dụng nhiều chất kích thích hoặc tác động từ các bệnh xương khớp khác… cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh phong tê thấp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải phong tê thấp

Người cao tuổi

Phong tê thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là từ khoảng 40 - 60 tuổi, vì đây là thời kỳ xương khớp dễ bị thoái hóa.

Người bị béo phì

Người béo phì có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 lần so với người bình thường do người béo phì thường dễ mắc bệnh về động mạch vành khiến các mạch máu bị co hẹp dẫn tới tình trạng máu khó lưu thông.

Người làm việc trong môi trường ẩm thấp, giá lạnh hoặc tiếp xúc nhiều với nước

Tỷ lệ mắc bệnh của những người này thường cao hơn người khác.

Giới tính

Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển bệnh phong tê thấp cao hơn nam giới.

Di truyền

Nếu trong gia đình có người bị phong tê thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh với những thành viên còn lại. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải phong tê thấp

Giới tính

Phụ nữ có khả năng mắc bệnh phong tê thấp cao hơn nam giới.

Tuổi tác

Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng thường gặp ở độ tuổi trung niên (40 – 55 tuổi trở lên).

Thường xuyên hút thuốc lá

Khói thuốc lá chứa nhiều hoạt chất hóa học độc hại có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. Đặc biệt, ở những đối tượng mắc phong tê thấp nếu sử dụng thuốc lá, triệu chứng bệnh sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Thừa cân, béo phì

Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người có trọng lượng cơ thể ổn định.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phong tê thấp

Chẩn đoán phong tê thấp có thể mất thời gian cần thực hiện một số xét nghiệm kết hợp với thăm khám lâm sàng.

Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và tiền sử bệnh lý của người bệnh, gia đình đồng thời có thể thực hiện kiểm tra thể chất các khớp bao gồm:

  • Kiểm tra về tình trạng sưng, đỏ và đau khớp.
  • Kiểm tra sức mạnh và sự phản xạ cơ bắp.
  • Kiểm tra độ ấm và sự đàn hồi ở khớp.

Vì không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể xác nhận chẩn đoán phong tê thấp, có thể sử dụng một số loại các kỹ thuật, xét nghiệm thêm như:

  • Kiểm tra máu: Để tìm như kháng thể hoặc kiểm tra mức độ của các chất phản ứng trong giai đoạn cấp tính tăng cao ở điều kiện viêm. Đây có thể là một dấu hiệu của phong tê thấp và giúp hỗ trợ chẩn đoán.
  • Xét nghiệm tìm yếu tố thấp khớp (RF): Xét nghiệm yếu tố thấp khớp RF kiểm tra một protein gọi là yếu tố thấp khớp. RF tăng cao có liên quan đến các bệnh tự miễn, đặc biệt là phong tê thấp.
  • Xét nghiệm kháng thể protein chống đông máu: Xét nghiệm tìm kiếm một kháng thể liên kết với phong tê thấp vì những người có kháng thể này thường có bệnh. Nhưng không phải ai bị phong tê thấp cũng cho kết quả dương tính với kháng thể này.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân: Các kháng thể kháng nhân kiểm tra hệ thống miễn dịch xem nó có tạo ra kháng thể hay không. 
  • Tốc độ lắng của hồng cầu (ERS): Xét nghiệm ESR giúp xác định mức độ viêm trong cơ thể nhưng xét nghiệm này không chỉ ra nguyên nhân gây viêm.
  • Xét nghiệm protein phản ứng C: Nhiễm trùng nặng hoặc viêm đáng kể ở bất cứ đâu trong cơ thể có thể kích hoạt gan tạo ra protein phản ứng C. Mức độ cao của dấu hiệu viêm này có liên quan đến phong tê thấp.
  • Chẩn đoán hình ảnh bao gồm: Chụp X-quang, chụp MRI khớp, siêu âm có thể sẽ được chỉ định để đưa ra kết luận chính xác nhất.

Phương pháp điều trị phong tê thấp hiệu quả

Các biện pháp hỗ trợ (ví dụ: Cai thuốc lá, dinh dưỡng, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lý, thuốc giảm đau).

Thuốc làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Thuốc chống viêm không steroid cần thiết để giảm đau.

Điều trị phong tê thấp bao gồm cân bằng giữa nghỉ ngơi và tập thể dục, dinh dưỡng đầy đủ, các biện pháp vật lý, thuốc và đôi khi là phẫu thuật. 

Các biện pháp về lối sống

Bệnh nhân cần có một liều trình nghỉ ngơi hợp lý.

Các biện pháp vật lý

Nẹp khớp làm giảm viêm tại chỗ và làm giảm các triệu chứng đau hoặc các bệnh thần kinh chèn ép, cũng có thể chườm lạnh để giảm sưng và đau khớp. 

Nên sử dụng các loại giày chỉnh hình hoặc giày thể thao; 

Giá đỡ cổ chân được đặt ở phía sau (gần) khớp cổ chân bị đau giúp giảm đau khi chịu trọng lượng. 

Giày đúc có thể cần thiết cho những trường hợp dị tật nghiêm trọng. 

Tập thể dục nên được tiến hành dung nạp. Trong giai đoạn viêm cấp tính, tập thể dục thụ động giúp ngăn ngừa co cứng cơ. Liệu pháp nhiệt cũng có thể làm giảm bớt sự cứng khớp. Giảm độ cứng và co thắt cơ bằng các bài tập tập thể dục trong nước ấm vì nhiệt làm tăng chức năng của cơ. 

Tập thể dục chủ động, bao gồm đi bộ và tập thể dục đặc biệt cho các khớp bị thương tổn, nhằm khôi phục lại khối lượng cơ và bảo vệ tầm vận động của khớp nhưng không nên gây mệt. 

Massage bởi các kỹ thuật viên được đào tạo, điều trị nhiệt độ sâu với nhiệt điện hoặc siêu âm có thể là phương pháp trị liệu hữu ích hỗ trợ cho các thuốc chống viêm.

Phẫu thuật

Có thể xem xét phẫu thuật nếu phương pháp điều trị bằng thuốc không thành công. Việc phẫu thuật cần cân nhắc đến toàn thể bệnh và mong muốn của bệnh nhân. 

  • Phẫu thuật thay thế khớp hoàn toàn: Loại bỏ khớp bị hư hỏng và thay thế bằng một khớp nhân tạo;
  • Phẫu thuật sửa gân: Sửa chữa các gân bị lỏng hoặc đứt do viêm và tổn thương ở khớp;
  • Phẫu thuật chỉnh trục: Nhằm làm ổn định hoặc giảm đau nếu phẫu thuật thay thế khớp không thực hiện được.

Thuốc điều trị phong tê thấp

Mục đích sử dụng thuốc giảm viêm nhằm ngăn ngừa bào mòn, biến dạng tiến triển và mất chức năng khớp.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs)

Được sử dụng sớm và thường dùng kết hợp với các thuốc khác, bao gồm các thuốc sinh học như kháng TNF-alpha, thuốc kháng IL-1, thuốc chẹn IL-6, thuốc ức chế tế bào B, các phân tử kích thích miễn dịch T-cell và các chất ức chế Janus kinase (JAK) có thể làm chậm sự tiến triển của phong tê thấp. 

NSAIDs

Dùng để giảm đau nhưng không có tác dụng ngăn ngừa bào mòn hoặc tiến triển bệnh do đó nên sử dụng như liệu pháp bổ trợ. 

Corticosteroid

Toàn thân liều thấp (prednisone < 10 mg/lần/ngày) để kiểm soát các triệu chứng đa khớp nặng, với mục đích thay thế bằng DMARD. Corticoid đường tiêm nội khớp dùng để kiểm soát triệu chứng ở một khớp hoặc thậm chí vài khớp nặng nhưng có thể có nhiều tác dụng phụ lên chuyển hóa dù ở liều thấp.

Sự kết hợp thuốc tối ưu vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, một số dữ liệu cho thấy kết hợp các nhóm khác nhau (ví dụ: methotrexate kèm với các DMARD khác, corticosteroid giảm liều nhanh dùng với DMARD, methotrexate dùng chung với kháng TNF-alpha, hoặc kháng TNF-alpha và DMARD) tốt hơn sử dụng các DMARD tuần tự hoặc kết hợp với các DMARDs khác. Nhìn chung, không được phối hợp các thuốc sinh học với nhau do tần suất nhiễm trùng gia tăng. 

Thuốc điều hòa miễn dịch, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc gây độc tế bào

Điều trị bằng azathioprine hoặc cyclosporine (một thuốc điều hoà miễn dịch) có hiệu quả tương tự như DMARDs nhưng có độc tính cao hơn. Vì vậy, chúng chỉ được dùng cho những bệnh nhân đã thất bại với việc điều trị bằng DMARD hoặc để làm giảm liều corticosteroid. Chúng chỉ được sử dụng khi có các biến chứng ngoài khớp.

Điều trị duy trì bằng azathioprine nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Cyclosporine liều thấp có thể có hiệu quả khi dùng đơn độc hoặc khi kết hợp với methotrexate nhưng ít khi được sử dụng. Cyclosporine có thể ít độc hơn azathioprine. Cyclophosphamide không được khuyến cáo do độc tính cao.

Các thuốc sinh học

Các thuốc điều chỉnh sinh học khác với thuốc kháng TNF-alpha, có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu tế bào T hoặc tế bào B. Thường không dùng kết hợp nhưng thuốc với nhau.

Rituximab là một kháng thể chống CD 20 làm giảm tế bào B, được dùng trong các bệnh nhân bệnh dai dẳng. Đáp ứng chậm nhưng có thể kéo dài 6 tháng. Đợt điều trị thường được lặp lại sau 6 tháng. 

Abatacept, kháng nguyên hòa tan độc tế bào Lympho T 4 (CTLA-4) Ig, được chỉ định cho bệnh nhân có phong tê thấp đáp ứng không đầy đủ đối với các DMARDs khác.

Chất đối kháng TNF-alpha (ví dụ etanercept, etanercept-szzs, adalimumab, certolizumab pegol, golimumab, infliximab và infliximab-dyyb) làm giảm sự tiến triển sự bào mòn và giảm sự bào mòn mới. Dù không phải mọi bệnh nhân đều đáp ứng nhưng nhiều người cảm thấy khỏe nhanh, đôi khi với lần tiêm đầu tiên. Tình trạng viêm thường giảm đáng kể. Những loại thuốc này thường dùng cùng với methotrexate để tăng hiệu quả, ngăn ngừa sự phát triển các kháng thể vô hiệu hóa thuốc.

Tocilizumab ức chế ảnh hưởng của IL-6 và cho hiệu quả lâm sàng trên những bệnh nhân đáp ứng không đầy đủ với các thuốc sinh học khác.

Tofacitinib là một chất ức chế Janus kinase (JAK) dùng đường uống có hoặc không dùng đồng thời với methotrexate, được sử dụng ở những bệnh nhân không đáp ứng với methotrexate đơn độc hoặc các thuốc sinh học khác.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phong tê thấp

Chế độ sinh hoạt:

Tập luyện thể dục đều đặn: Thường xuyên luyện tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp. Nên bắt đầu bằng việc đi bộ mỗi ngày, tránh những môn vận động mạnh.

Chườm nóng: Biện pháp này có thể giảm đau do phong tê thấp rất tốt. Dùng miếng giữ nhiệt hay chai nước nóng bọc lại bằng một chiếc khăn mỏng rồi chườm lên vùng bị sưng đau. Ngoài ra, có thể sử dụng miếng dán nhiệt, tắm nước ấm, đèn sưởi nhiệt để giảm đau.

Chườm lạnh: Dùng túi chườm lạnh hoặc dùng khăn mỏng gói những viên đá lại và chườm lên da để giảm đau và chống viêm khớp hiệu quả.

Nghỉ ngơi: Cách đối phó với những cơn đau do phong tê thấp là nghỉ ngơi thư giãn, tránh những căng thẳng trong cuộc sống. 

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng và cân bằng sẽ giúp hỗ trợ điều trị phong tê thấp. Vì vậy, để làm chậm quá trình phát triển của bệnh, người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu calci. Ngoài ra, nên kiêng một số loại đồ ăn và thức uống có hại như rượu, thực phẩm chế biến sẵn.

Phương pháp phòng ngừa phong tê thấp hiệu quả

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Khi có bất kỳ dấu hiệu đầu tiên nào, người bệnh cần nhanh chóng nhận được phác đồ điều trị từ phía các y bác sĩ và cơ sở y tế. Ngoài ra, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp ngăn chặn được các nguy cơ gây ra phong tê thấp.

Bệnh liên quan