Đau thắt lưng là một hội chứng đau lưng dưới rất phổ biến. Đau thắt lưng cấp tính có thể kéo dài vài ngày đến 4 tuần. Cơn đau thắt lưng có thể từ nhẹ đến nặng, gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày, người bệnh đau thắt lưng có thể gây lo âu, trầm cảm. Bạn nên đi thăm khám sớm nếu có bất kỳ dấu hiệu của đau thắt lưng để được điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến đến đau thắt lưng mạn tính.
Đau thắt lưng là một tình trạng đau nhức vùng lưng dưới, có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Triệu chứng này gây đau, khó chịu vùng thắt lưng, làm công việc đình trệ, khiến người bệnh mệt mỏi, lo âu.
Đau thắt lưng có thể là do chấn thương như bong gân, căng cơ hoặc dây chằng, do thoái hóa đĩa đệm, chèn ép các rễ dây thần kinh và các yếu tố ngoài cột sống gây ra cảm giác khó chịu ở lưng dưới. Tính chất và tần suất của cơn đau sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
Đau thắt lưng cấp tính kéo dài từ vài ngày đến 4 tuần, thường gặp khi chơi thể thao sai kỹ thuật, tập luyện với tư thế không đúng dẫn đến căng dây chằng hoặc căng cơ ở vùng lưng hoặc do làm việc sai tư thế.
Đau thắt lưng cấp tính có thể phát triển thành đau thắt lưng mạn tính kéo dài hơn 3 tháng.
Cấu trúc vùng cột sống thắt lưng gồm 5 đốt sống từ L1 - L5 cùng hệ thống cơ, gân, dây chằng bao quanh. Cột sống thắt lưng là một cấu trúc được thiết kế hoàn hảo gồm các liên kết xương, khớp, dây thần kinh, dây chằng và cơ bắp cùng hoạt động để tạo ra sự hỗ trợ, sức mạnh chống đỡ và sự linh hoạt cho sự di chuyển của cơ thể. Tuy nhiên, cấu trúc phức tạp này cũng khiến vùng lưng dưới dễ bị chấn thương và đau.
Khoảng 80% con người bị đau thắt lưng vào một thời điểm nào đó trong đời, thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50. Càng lớn tuổi xương bị yếu đi do loãng xương, lượng chất lỏng giữa các đốt sống trong cột sống bị giảm xuống, các đĩa đệm ở cột sống bị thoái hóa và giảm dần sự linh hoạt, đồng thời giảm sự đàn hồi của trương lực cơ cũng khiến lưng dễ bị chấn thương hơn.
Phần lớn nguyên nhân gây đau thắt lưng là do chấn thương làm căng cơ hoặc gân ở lưng. Đau thắt lưng cũng có thể do mắc phải một số bệnh lý như: Nhiễm trùng thận, nhiễm trùng cột sống, viêm khớp, đau thần kinh tọa, ung thư tủy sống…
Để việc điều trị mang lại hiệu quả cao, cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh do mỗi cơ quan tổn thương sẽ có biểu hiện riêng biệt. Trên thực tế có nhiều bệnh nhân bị đau thắt lưng chủ quan cho rằng triệu chứng sẽ tự khỏi, nên thường không điều trị ngay. Đặc biệt, tự ý sử dụng thuốc giảm đau không có sự kê đơn của bác sĩ có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Đối với bệnh đau thắt lưng cấp tính mà không điều trị dứt điểm thì có thể chuyển sang mạn tính. Cơn đau liên tục, kéo dài với mức độ ngày càng tăng có thể dẫn đến nhiều biến chứng, thậm chí là tàn phế.
Đau thắt lưng ở thể nhẹ thì gây khó chịu, đau nhức vùng thắt lưng, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày như đình trệ công việc, khó khăn cho việc đứng ngồi…
Đối với trường hợp đau mạn tính như đau thần kinh tọa, là kết quả của sự chèn ép các rễ dây thần kinh thắt lưng ở lưng dưới. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm: Thoát vị đĩa đệm, gai xương do thoái hóa và thu hẹp ống tuỷ sống (hẹp ống sống) hay hở eo đốt sống. Triệu chứng đau lan từ mông xuống chân. Chẩn đoán có thể chụp MRI hoặc CT và chẩn đoán xác định vị trí tổn thương bằng điện cơ và điện dẫn truyền thần kinh. Điều trị bao gồm điều trị triệu chứng, nếu có tổn thương thần kinh đôi khi cần phẫu thuật.
Cơn đau thắt lưng thường xảy ra với các triệu chứng sau đây:
Đau nhức âm ỉ, nhói hoặc buốt vùng thắt lưng.
Co thắt cơ: Cơ căng cứng khó cử động hoặc duỗi thẳng lưng, do đó nhiều người khó đứng thẳng, hạn chế khả năng vận động, đau nhức ở hông và xương chậu.
Đau thần kinh tọa: Bao gồm cảm giác đau rát, xé, dao đâm lan dọc đường dây thần kinh tọa di chuyển xuống mông và mặt sau đùi xuống tới dưới gối. Có thể yếu cơ, mất cảm giác, phản xạ.
Đau nặng hơn sau khi ngồi lâu: Ngồi gây áp lực lên đĩa đệm, khi bạn ngồi trong thời gian dài sẽ khiến cơn đau thắt lưng trở nên trầm trọng hơn.
Cảm thấy đỡ đau hơn khi thay đổi tư thế: Các triệu chứng thay đổi khác nhau khi thay đổi tư thế có thể giúp xác định nguồn gốc của cơn đau. Một số tư thế sẽ thoải mái hơn những tư thế khác, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau. Ví dụ: Với bệnh hẹp ống sống, việc đi lại bình thường có thể khó khăn và đau đớn, nhưng nghiêng người về phía trước vào một thứ gì đó, như nghiêng về phía xe đẩy, có thể giảm đau.
Đau do cứng khớp: Nhiều người bị đau thắt lưng cho biết các triệu chứng đau nhiều hơn vào buổi sáng. Do khi ngủ, nằm trong thời gian dài làm cho lưu lượng máu giảm và cũng có thể do chất lượng của gối, nệm được sử dụng. Tuy nhiên, các triệu chứng thuyên giảm sau khi đứng dậy và đi lại.
Nếu bạn bị đau lưng sau khi bị té ngã, chấn thương hoặc có bất kỳ triệu chứng như: Đau âm ỉ đến cảm giác nhói buốt và cơn đau của bạn không thuyên giảm trong vòng 72 giờ, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp sức khỏe của bạn mau chóng phục hồi.
Các nguyên nhân dưới đây có thể dẫn đến đau lưng:
Căng cơ hay đau thần kinh tọa: Căng cơ thường là nguyên nhân gây ra đau lưng khi nâng vật nặng hoặc vận động mạnh. Hoặc do thoát vị đĩa đệm các bất thường xương như gai xương do thoái hóa, hẹp ống sống, hở eo đốt sống… Gây chèn ép rễ thần kinh xảy ra bên trong ở lỗ liên hợp hay ống tủy. Các rễ thần kinh cũng có thể bị chèn ép bên ngoài cột sống, trong khung chậu hoặc mông gây ra cơn đau chạy từ mông xuống một bên chân.
Công việc của bạn: Nếu công việc của bạn liên quan đến nâng, kéo hoặc bất cứ thứ gì làm vặn cột sống, nó có thể góp phần gây ra đau lưng. Tuy nhiên, đối với công việc văn phòng, ngồi vào bàn làm việc cả ngày đặc biệt nếu ghế của bạn không thoải mái hoặc bạn ngồi không thẳng lưng, bạn cũng có thể đau thắt lưng.
Túi của bạn: Mặc dù bạn có thể đeo ví, ba lô hoặc cặp qua vai, nhưng phần lưng dưới sẽ hỗ trợ phần trên của cơ thể. Vì vậy, nếu bạn mang một chiếc túi quá nặng, một chiếc túi quá căng ngày này qua ngày khác có thể làm căng phần lưng dưới. Nếu bạn phải mang vác nặng, hãy cân nhắc chuyển sang một chiếc cặp có bánh xe.
Tập thể dục quá sức là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến các cơ hoạt động quá sức dẫn đến đau thắt lưng. Bạn đặc biệt dễ bị tổn thương nếu bạn ngưng tập luyện trong cả tuần và sau đó dành hàng giờ tại phòng tập thể dục vào cuối tuần.
Tư thế của bạn: Với tư thế đứng thẳng, lưng của bạn hỗ trợ trọng lượng tốt nhất. Khi đứng, giữ cân bằng đều trọng lượng trên cả hai chân. Khi bạn phải ngồi thẳng lưng, sẽ hỗ trợ thắt lưng tốt cho lưng dưới, vai ngửa, đặt chân trên một chiếc ghế đẩu thấp.
Thoát vị đĩa đệm: Các đốt sống của cột sống được đệm bởi các đĩa gel dễ bị mòn và rách do lão hóa hoặc chấn thương. Đĩa đệm bị suy yếu có thể bị phình ra hoặc vỡ, gây áp lực lên các rễ thần kinh cột sống. Thoát vị đĩa đệm có thể gây ra những cơn đau dữ dội.
Tình trạng mạn tính: Một số bệnh mãn tính có thể dẫn đến đau thắt lưng như:
Hẹp ống sống thắt lưng là tình trạng thu hẹp của ống sống thắt lưng gây chèn ép các rễ thần kinh. Gây đau lưng tư thế, đau chi dưới khi đi bộ. Ở bệnh nhân trung niên hoặc cao tuổi, hẹp ống sống mắc phải phổ biến là do u thần kinh tọa. Các nguyên nhân khác bao gồm: Thoái hóa khớp, thoái hóa đĩa đệm, gai cột sống, bệnh Paget xương, viêm cột sống dính khớp…
Viêm cột sống dính khớp làm viêm các khớp của cột sống, và đôi khi cả vai, hông, xương sườn và các vùng khác. Nó gây ra đau lưng mãn tính và cứng khớp. Trong trường hợp nghiêm trọng, các đốt sống cột sống bắt đầu hợp nhất (phát triển cùng nhau).
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đau thắt lưng. Các yếu tố về tuổi tác, cân nặng, đặc thù công việc.
Ở người cao tuổi thường gặp phải tình trạng loãng xương, cơ bị giảm độ đàn hồi, các đĩa đệm chệch khỏi vị trí bình thường, làm giảm khả năng nâng đỡ của các đốt sống. Tuy nhiên, ngày càng gia tăng đau thắt lưng ở người trẻ tuổi.
Phụ nữ mang thai.
Người thừa cân, béo phì.
Nhân viên văn phòng, những người thường xuyên ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
Người lao động nặng.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau thắt lưng, bao gồm:
Tuổi tác: Những người trên 30 tuổi bị đau lưng nhiều hơn. Đĩa đệm (mô mềm, cao su đệm xương ở cột sống) bị mòn đi theo tuổi tác. Khi các đĩa này suy yếu và mòn đi, có thể dẫn đến đau và cứng.
Cân nặng: Những người thừa cân/béo phì hoặc mang thêm trọng lượng có nhiều khả năng bị đau lưng hơn. Trọng lượng dư thừa gây áp lực lên các khớp và đĩa đệm.
Nghề nghiệp và lối sống: Các công việc và hoạt động đòi hỏi phải nâng hoặc cúi người nặng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương lưng.
Các vấn đề về cấu trúc: Đau lưng dữ dội có thể do các tình trạng, chẳng hạn như chứng vẹo cột sống, làm thay đổi cấu trúc thẳng hàng của cột sống.
Bệnh tật: Những người có tiền sử gia đình bị viêm xương khớp, một số loại ung thư và bệnh khác như viêm thận có nguy cơ cao bị đau thắt lưng.
Sức khỏe tinh thần: Đau lưng có thể do lo âu và trầm cảm.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, bác sĩ của bạn cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm máu có thể phát hiện các dấu hiệu di truyền đối với một số bệnh lý gây đau lưng (chẳng hạn như viêm cột sống dính khớp). Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra sỏi thận, gây đau hạ sườn (hai bên lưng dưới).
Dựa vào đặc điểm lâm sàng như: Tiền sử bệnh tật, các triệu chứng hiện tại, mức độ và tần suất cơn đau xảy ra. Đối với một số trường hợp đặc biệt như: Đau thắt lưng do chấn thương, đau trong thời gian dài… bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như: Chụp X - quang, CT hoặc MRI, điện cơ.
Thường chỉ cần điều trị bảo tồn nhưng có thể cân nhắc phẫu thuật nếu thoát vị đĩa đệm có tổn thương thần kinh tiến triển hoặc đau dai dẳng không đáp ứng.
Chụp X-quang: Giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường như viêm, gãy xương.
Chụp MRI hoặc CT: Dựa vào kết quả MRI hoặc CT, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề ở dây thần kinh, mạch máu, dây chằng, mô, cơ, xương…
Điện cơ: Điện chẩn đoán có thể khẳng định, đánh giá mức độ chèn ép rễ thần kinh. Có thể loại trừ các bệnh giống đau thần kinh tọa như bệnh đa dây thần kinh.
Đau lưng do căng cơ thường sẽ tự khỏi, nhưng bạn có thể thực hiện các bước để làm cho mình thoải mái hơn. Đau cấp có thể giảm sau 24 đến 48 giờ nghỉ ngơi ở tư thế nằm nghiêng với đầu giường nâng cao khoảng 30°. Đệm sưởi, chườm nóng hoặc tắm nước ấm và massage thường xuyên để thư giãn các cơ ở lưng bị căng cứng. Nếu triệu chứng đau không giảm sau 72 giờ, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp.
Nghỉ ngơi trên giường: Khi đau lưng, bạn có thể không muốn ra khỏi giường. Nhưng nếu vấn đề là căng cơ, các bác sĩ khuyên bạn nên trở lại các hoạt động bình thường của bạn càng sớm càng tốt. Các nghiên cứu cho thấy việc nghỉ ngơi nhiều hơn một hoặc hai ngày trên giường thực sự có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn và có thể làm giảm sự dẻo dai và linh hoạt của cơ.
Liệu pháp xoa bóp: Xoa bóp có thể làm giảm đau thắt lưng mạn tính, đặc biệt khi kết hợp với tập thể dục và kéo giãn cơ.
Châm cứu: Châm cứu chữa đau lưng được không? Trong các nghiên cứu, những người bị đau lưng cấp tính hay mạn tính đã cho thấy sự cải thiện sau khi điều trị bằng châm cứu.
Điều trị bằng thuốc: Đau lưng nhẹ thường cảm thấy tốt hơn khi dùng thuốc giảm đau không opioid, chẳng hạn như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen, có thể dùng kéo dài đến 6 tuần.
Thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin có thể làm giảm các triệu chứng. Cần lưu ý thận trọng ở người cao tuổi, bệnh nhân có nguy cơ ngã, bệnh nhân rối loạn nhịp tim và những người có bệnh thận mạn tính.
Đối với những cơn đau dữ dội hoặc đau mạn tính, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc corticosteroid đường uống hoặc tiêm ngoài màng cứng trong điều trị đau nặng hay đau kéo dài như đau thần kinh tọa.
Các loại kem giảm đau hay cao dán có thể hữu ích cho những trường hợp đau nhức cơ.
Phẫu thuật: Nếu cơn đau lưng kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn và sau 6 tuần điều trị mà các phương pháp điều trị khác không giúp giảm đau. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau của bạn, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ đĩa đệm thoát vị, mở rộng không gian xung quanh tủy sống và/hoặc hợp nhất hai đốt sống cột sống với nhau.
Vật lý trị liệu: Nếu cơn đau lưng khiến bạn không hoạt động trong một thời gian dài, vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng, có thể giúp bạn tăng cường cơ bắp và trở lại các hoạt động hàng ngày. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn các bài tập giãn cơ, bài tập thể lực phù hợp giúp nâng cao thể trạng mà không bị mỏi lưng.
Tăng cường lưng: Tập luyện thể dục có thể giúp ích cho lưng dưới của bạn. Trong các bài tập uốn dẻo, bạn gập người về phía trước để kéo căng và tăng cường các cơ vùng lưng và hông. Trong các bài tập mở rộng, bạn cúi người về phía sau để phát triển các cơ hỗ trợ cột sống. Tập luyện các bài tập thể dục chữa đau lưng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên viên cũng là giải pháp đẩy nhanh quá trình hồi phục và ngăn ngừa cơn đau tái phát.
Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt:
Duy trì lối sống tích cực, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, hạn chế căng thẳng.
Người làm văn phòng nên chọn ghế có chiều cao phù hợp, ngồi thẳng lưng đảm bảo hai chân thoải mái chạm sàn. Sau 1 - 2 giờ làm việc nên đứng lên vận động, thực hiện một số động tác xoay người nhẹ nhàng để thư giãn cột sống.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có nhưng bất thường trong quá trình điều trị như triệu chứng đau không thuyên giảm hay có bất kỳ tác dụng phụ khi dùng thuốc.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Để việc điều trị có hiệu quả, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
Chế độ dinh dưỡng:
Đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là canxi, magie, kali trong các bữa ăn hằng ngày. Đồng thời, để tránh những cơn đau co thắt và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn sau vận động bạn cần uống đủ nước.
Nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật có khả năng chống viêm như: Rau bina, bông cải xanh, khoai lang, dưa hấu, trà xanh, đậu và các loại hạt như óc chó, hạt lanh…
Tránh thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh và thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa. Những chất này có thể gây viêm và khiến cơn đau lưng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
Canxi và vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, nhưng bạn không cần phải uống thuốc bổ sung để có đủ liều lượng hàng ngày. Các thực phẩm giàu canxi như: Sữa, cua, rau xanh… Người lớn cũng cần ít nhất 1.000 IU vitamin D mỗi ngày, có thể đến từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thực phẩm tăng cường hoặc thực phẩm chức năng bổ sung Canxi, vitamin D.
Ăn nhiều protein hơn: Protein là thành phần quan trọng của xương và có thể chữa lành và sửa chữa các tổn thương xương và mô liên kết, giúp giảm đau lưng. Thịt nạc, đậu và các sản phẩm từ sữa ít béo là nguồn thực phẩm cung cấp protein toàn phần tốt.
Các loại cá giàu axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi và cá ngừ, có đặc tính chống viêm. Cá hồi cũng cung cấp calcitonin, chất này đã được chứng minh trong các nghiên cứu để giảm viêm khớp và ngăn ngừa đau do viêm xương khớp.
Thêm gia vị cho cuộc sống của bạn: Gia vị không chỉ tăng thêm hương vị cho món ăn của bạn mà nhiều loại gia vị còn có khả năng chống viêm. Quế, tỏi, gừng, lá oregano, hương thảo và nghệ là một số loại gia vị phổ biến nhất có thể giảm đau.
Tăng nhiệt: Capsaicin, hợp chất tạo ra sức nóng của ớt, đôi khi được sử dụng trong các loại kem và miếng dán để giảm đau. Nghiên cứu cho thấy rằng ăn ớt cay có thể mang lại lợi ích giảm đau tương tự. Điều này là do endorphin mà não của bạn tiết ra sau khi bạn cắn vào ớt, nhằm ngăn chặn các tín hiệu đau.
Uống rượu vang: Resveratrol, một hợp chất trong vỏ nho đỏ, đã được chứng minh là làm dịu chứng sưng đĩa đệm có thể góp phần gây đau lưng. Các bác sĩ khuyên bạn nên uống một cách điều độ. Đối với hầu hết người lớn, giới hạn lành mạnh là một ly rượu vang đỏ mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.
Dinh dưỡng tốt và một chế độ ăn uống cân bằng là những thành phần quan trọng của sức khỏe. Điều có thể khiến những người có vấn đề về lưng ngạc nhiên là chế độ ăn uống, tập thể dục và duy trì cân nặng hợp lý cũng đóng một vai trò quan trọng đặc biệt đối với sức khỏe lưng bao gồm ngăn ngừa nhiều vấn đề và cải thiện quá trình chữa bệnh.
Để phòng ngừa bệnh đau thắt lưng hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Giữ cân nặng hợp lý.
Đứng và ngồi thẳng lưng. Không ngồi quá lâu.
Tránh khuân vác nặng. Nếu bạn nâng vật nặng, hãy uốn cong đầu gối và giữ thẳng lưng.
Vận động và ăn uống lành mạnh.
Thực hiện các bài tập tăng cường và kéo căng cơ ít nhất 2 ngày một tuần.