Ung thư thanh quản là một bệnh ung thư cổ họng ảnh hưởng tới thanh quản của người bệnh. Ung thư thanh quản có thể làm hỏng giọng nói của bạn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tế bào ung thư có thể lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể. Vậy nguyên nhân nào gây ra ung thư thanh quản và điều trị như thế nào?
Thanh quản là bộ phận nằm ở ngã ba miệng, khí quản. Vai trò của thanh quản là dẫn lưu không khí ra vào phổi, đồng thời tống vật lạ ra ngoài bằng các cơn ho khi có vật lạ rơi vào thanh quản.
Ung thư thanh quản xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển từ biểu mô của thanh quản hình thành một khối u hoặc bướu ở cổ. Tế bào ung thư có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của thanh quản như nắp thanh quản, bên trên hoặc bên dưới dây thanh âm.
Thông thường, những triệu chứng của ung thư thanh quản dễ phát hiện. Một số triệu chứng của ung thư thanh quản mà bạn có thể gặp là:
Giọng khàn;
Khó thở;
Ho quá nhiều, đôi khi ho ra máu;
Đau cổ;
Viêm họng;
Đau tai;
Khó nuốt thức ăn;
Sưng cổ;
Bướu cổ;
Giảm cân đột ngột.
Ung thư thanh quản có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 0: Tế bào ung thư nằm ở lớp ngoài cùng của thành thực quản.
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư phát triển thành khối u, nhưng chỉ mới ở thanh quản và chưa lan qua các cơ quan khác.
Giai đoạn 2: Những khối u thay đổi vị trí nhưng vẫn nằm ở thanh quản. Dây thanh âm lúc này có thê không di động được.
Giai đoạn 3: Khối u đã lan ra những hạch bạch huyết xung quanh thanh quản.
Giai đoạn 4: Tế bào ung thư di căn tới những cơ quan khác của cơ thể.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra ung thư thanh quản. Ung thư thanh quản xuất hiện khi những tế bào của thanh quản bị tổn thương hoặc đột biến dẫn tới những tế bào này phát triển quá mức dần dần hình thành khối u ở thanh quản.
Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị ung thư thanh quản. Tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
Nam giới
Người từ 55 tuổi trở lên
Các yếu tố làm tăng nguy ung thư thanh quản:
Tiền sử gia đình có người bị ung thư thanh quản;
Uống rượu;
Hút thuốc;
Thừa cân, béo phì;
Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn ít trái cây và rau củ;
Sử dụng thức ăn chế biến sẵn;
Tiếp xúc với amiăng;
Tiếp xúc với virus papillomavirus;
Hệ thống miễn dịch suy yếu.
Chẩn đoán ung thư thanh quản bắt đầu bằng tiền sử bệnh và những triệu chứng lâm sàng. Sau đó bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Những xét nghiệm thường thấy như:
Nội soi thanh quản: Sử dụng ống nội soi dài, linh hoạt có đèn để xác định vị trí cũng như hình dạng khối u.
Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ trong thanh quản để tìm tế bào ung thư.
Chụp CT hoặc MRI: Để có thể phát hiện hình dạng, kích thước cũng như mức độ xâm lấn của khối u. Ngoài ra còn có thể xem các tế bào đã di căn tới những cơ quan khác chưa. Tuy nhiên đây không phải là phương pháp phổ biến trong chẩn đoán ung thư thanh quản.
Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị ung thư thanh quản sẽ phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Ở giai đoạn sớm bác sĩ thường sử dụng phương pháp phẫu thuật hoặc xạ trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được tiến hành để cắt bỏ khối u trong thanh quản. Rủi ro từ phẫu thuật thường xảy ra, nhất là ở giai đoạn ung thư đã di căn. Người bệnh có thể gặp những rủi ro sau:
Khó thở;
Khó nuốt;
Cổ bị biến dạng;
Mất hoặc thay đổi giọng nói;
Có sẹo ở cổ.
Xạ trị
Xạ trị là biện pháp sử dụng một chùm năng lượng mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng.
Sau khi phẫu thuật, dùng phương pháp xạ trị để tiêu diệt những tế bào còn sót lại. Ngoài ra, những khối u nhỏ, bác sĩ cũng có thể chỉ định xạ trị đơn độc.
Hóa trị
Hóa trị là một biện pháp điều trị ung thư bằng hóa chất, được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của các khối u.
Hóa trị thường được sử dụng ở các trường hợp sau:
Tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật và xạ trị.
Giai đoạn cuối của ung thư khi đã xạ trị hoặc phẫu thuật nhưng không thành công.
Điều trị những triệu chứng của ung thư tiến triển.
Ở những giai đoạn muộn bác sĩ có thể kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Chế độ dinh dưỡng:
Uống nhiều nước.
Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thức ăn giàu protein.
Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng, thực phẩm cứng, đồ ăn nhiều dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn.
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Hạn chế những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
Thường xuyên xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng kết hợp luyện tập phù hợp giúp năng cao hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh.
Tránh tiếp xúc với amiăng và các chất độc hại khác, nếu tiếp xúc nên sử dụng thiết bị bảo hộ.
Tầm soát ung thư thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị.