Chlamydia là vi khuẩn nội bào bắt buộc, không di động. Chúng chứa DNA, RNA và ribosome để tạo ra các protein và acid nucleic của riêng chúng. Ba loài Chlamydia thường gây bệnh cho người bao gồm: Chlamydia trachomatis gây bệnh lây truyền qua đường tình dục; Chlamydia pneumoniae và Chlamydia psittaci gây nhiễm trùng đường hô hấp. Tất cả các loài này đều nhạy cảm với kháng sinh macrolide (ví dụ: Azithromycin), tetracycline (ví dụ: Doxycycline) và fluoroquinolones.
Nhiễm Chlamydia có thể gây bệnh cho nhiều hệ cơ quan, bao gồm cả đường sinh dục. Chlamydia là các vi khuẩn Gram âm nội bào bắt buộc, thường lây nhiễm các tế bào biểu mô vảy. Chúng bao gồm các chi Chlamydia (nổi bật là loài Chlamydia trachomatis) và Chlamydophila (Chlamydia pneumoniae và Chlamydia psittaci).
C. trachomatis được phân biệt thành 18 serovars (biến thể huyết thanh học) trên cơ sở các xét nghiệm kháng thể đơn dòng. Các serovars này có liên quan đến các bệnh lý khác nhau, như sau:
Serovars A, B, Ba và C: Bệnh đau mắt hột, một bệnh mắt nghiêm trọng phổ biến ở châu Phi và châu Á, đặc trưng bởi viêm kết mạc mãn tính và có thể dẫn đến mù lòa.
Serovars D – K: Nhiễm trùng đường sinh dục.
Serovars L1 – L3: Bệnh hột xoài hay còn gọi là u hạt lympho sinh dục (Lymphogranuloma venereum – LGV), gây loét sinh dục ở các nước nhiệt đới.
Nhiễm C. trachomatis ảnh hưởng đến cổ tử cung, niệu đạo, hố chậu, tử cung, vòm họng và mào tinh hoàn; đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn (STD) phổ biến nhất ở Hoa Kỳ và là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ.
Nhiễm C. trachomatis cũng gây ra các bệnh khác, bao gồm viêm kết mạc, viêm phổi hoặc viêm phổi kẽ, hội chứng viêm phổi cấp (ở trẻ sinh ra qua đường âm đạo từ mẹ bị nhiễm), hội chứng Fitz-Hugh-Curtis và bệnh mắt hột (nguyên nhân hàng đầu thế giới gây mù lòa).
Nhiễm C. pneumoniae lây lan qua dịch đường hô hấp và gây ra viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi.
Nhiễm C. psittaci lây lan qua phân chim và giọt bắn khi hắt hơi, gây ra bệnh Psittacosis (bệnh sốt vẹt).
Nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis
Giai đoạn đầu thường gây ra ít hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng. Ngay cả khi các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra, chúng thường nhẹ nên dễ bị bỏ qua.
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm Chlamydia trachomatis có thể bao gồm:
Đau khi đi tiểu;
Tiết dịch âm đạo, đau khi quan hệ tình dục, chảy máu giữa kỳ kinh và sau khi quan hệ tình dục ở phụ nữ;
Tiết dịch từ dương vật và đau tinh hoàn ở nam giới.
Chlamydia trachomatis cũng có thể lây nhiễm trực tràng, không có dấu hiệu/ triệu chứng hoặc kèm theo đau trực tràng, tiết dịch, chảy máu. Bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm trùng mắt do chlamydia (viêm kết mạc) khi tiếp xúc với dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.
Nhiễm khuẩn Chlamydia pneumoniae
Vi khuẩn thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, mức độ bệnh nhẹ. Những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể gây đau họng, nhiễm trùng tai hoặc xoang. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;
Mệt mỏi (cảm thấy mệt mỏi);
Sốt nhẹ;
Khàn giọng hoặc mất giọng;
Viêm họng;
Ho từ từ trở nên tồi tệ hơn, có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng;
Đau đầu.
C. pneumoniae cũng gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm thanh quản, viêm phế quản và viêm phổi. Có thể mất 3 - 4 tuần để các triệu chứng xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn và kéo dài trong vài tuần.
Nhiễm khuẩn Chlamydia psittaci
Vi khuẩn thường gây bệnh nhẹ. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
Sốt và ớn lạnh;
Đau đầu;
Đau cơ;
Ho khan.
Hầu hết bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng trong vòng 5 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn, ít khi sau 14 ngày.
Nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis
Bệnh viêm vùng chậu (PID): PID là một bệnh nhiễm trùng ở tử cung và ống dẫn trứng, gây đau vùng chậu và sốt. Nhiễm trùng nặng có thể phải nhập viện để dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. PID có thể làm hỏng ống dẫn trứng, buồng trứng và tử cung, bao gồm cả cổ tử cung.
Nhiễm trùng gần tinh hoàn (viêm mào tinh hoàn): Nhiễm khuẩn Chlamydia có thể làm viêm ống cuộn nằm bên cạnh mỗi tinh hoàn (mào tinh hoàn) dẫn đến sốt, sưng đau bìu.
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt: Hiếm khi, Chlamydia lây lan đến tuyến tiền liệt. Viêm tuyến tiền liệt có thể gây đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, sốt và ớn lạnh, tiểu buốt và đau thắt lưng.
Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh: Nhiễm Chlamydia có thể truyền từ âm đạo sang trẻ trong khi sinh, gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng mắt nghiêm trọng.
Thai ngoài tử cung: Xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng. Thai cần được loại bỏ để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, như vỡ ống dẫn trứng. Nhiễm Chlamydia làm tăng nguy cơ này.
Vô sinh: Nhiễm Chlamydia, ngay cả những trường hợp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể gây sẹo và tắc nghẽn ống dẫn trứng, khiến phụ nữ bị vô sinh.
Viêm khớp phản ứng: Những người bị Chlamydia trachomatis có nguy cơ cao bị viêm khớp phản ứng, còn được gọi là hội chứng Reiter. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến khớp, mắt và niệu đạo.
Nhiễm khuẩn Chlamydia pneumoniae
Bệnh hen suyễn nghiêm trọng hơn;
Viêm não;
Viêm cơ tim.
C. pneumoniae có thể gây nhiễm trùng mãn tính, góp phần gây ra các bệnh lý mãn tính, như hen suyễn, viêm khớp và xơ vữa động mạch.
Nhiễm khuẩn Chlamydia psittaci
Viêm phổi (nhiễm trùng phổi);
Viêm nội tâm mạc (viêm van tim);
Viêm gan;
Viêm dây thần kinh hoặc não, dẫn đến các vấn đề thần kinh.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Chlamydia trachomatis thường lây qua quan hệ tình dục đường âm đạo, miệng và hậu môn. Phụ nữ mang thai cũng có thể lây Chlamydia cho con trong khi sinh, gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng mắt nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh.
Chlamydia pneumoniae lây qua các giọt bắn có chứa vi khuẩn do ho hoặc hắt hơi. Cũng có thể bị bệnh nếu chạm vào đồ vật có dính dịch hô hấp từ người bệnh rồi chạm vào miệng hoặc mũi. Vi khuẩn thường lây lan giữa những người sống chung với nhau.
Chlamydia psittaci lây nhiễm từ phân các loài chim (như chim cảnh, vẹt), gia cầm (như gà, gà tây, vịt) hoặc từ người sang người qua các giọt bắn khi hắt hơi.
Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm khuẩn Chlamydia.
Đối với nhiễm Chlamydia sinh dục (C. trachomatis), nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Nhiễm khuẩn Chlamydia, bao gồm:
Nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis
Quan hệ tình dục trước 25 tuổi;
Có nhiều bạn tình;
Không sử dụng bao cao su thường xuyên;
Tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nhiễm khuẩn Chlamydia pneumoniae
Sinh hoạt và làm việc trong môi trường đông người như bệnh viện, trường học, ký túc xá, doanh trại quân đội...
Nhiễm khuẩn Chlamydia psittaci
Thường xuyên tiếp xúc với các loài chim và gia cầm như người nuôi chim hoặc gia cầm, nhân viên cửa hàng thú cưng, bác sĩ thú y...
Đối với C. trachomatis và C. pneumoniae: Xét nghiệm dựa trên acid nucleic.
Đối với C. psittaci: Xét nghiệm máu.
Xác định vi khuẩn C. trachomatis gây bệnh sinh dục bằng cách lấy mẫu sinh dục, nước tiểu từ người lớn và thanh thiếu niên, sau đó thực hiện xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAATs). Xét nghiệm này nhạy cảm hơn so với nuôi cấy tế bào và có ít yêu cầu xử lý mẫu nghiêm ngặt.
Các xét nghiệm huyết thanh học có giá trị hạn chế ngoại trừ việc chẩn đoán u hạt lympho sinh dục và bệnh Psittacosis.
C. pneumoniae được chẩn đoán bằng cách nuôi cấy bệnh phẩm đường hô hấp hoặc bằng xét nghiệm NAAT.
Chẩn đoán nhiễm C. psittaci dựa trên tiền sử tiếp xúc gần với các loài chim, điển hình là vẹt hoặc vẹt đuôi dài. Chẩn đoán được xác nhận bằng các xét nghiệm huyết thanh học.
Tầm soát Chlamydia
Do nhiễm Chlamydia sinh dục rất phổ biến và thường không có hoặc chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và không đặc hiệu (đặc biệt ở phụ nữ), nên khuyến cáo kiểm tra định kỳ những người không có triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) cao.
Những đối tượng nên thực hiện sàng lọc bao gồm:
Phụ nữ không mang thai (bao gồm cả phụ nữ có quan hệ tình dục đồng giới) được kiểm tra hàng năm nếu họ:
Có quan hệ tình dục và dưới 25 tuổi.
Có tiền sử nhiễm STI trước đây.
Quan hệ tình dục có nguy cơ cao (ví dụ: Có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình, hoạt động mại dâm).
Có bạn tình bị STI hoặc có hành vi nguy cơ cao.
Phụ nữ mang thai được khám sàng lọc trong lần khám thai đầu tiên; những người dưới 25 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ được sàng lọc lại trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Nam giới quan hệ tình dục khác giới không cần sàng lọc ngoại trừ đối tượng ở nơi có tỷ lệ nhiễm Chlamydia cao, hoặc khi nhập viện vào các cơ sở cải huấn.
Nam giới quan hệ tình dục đồng giới được sàng lọc nếu họ đã quan hệ tình dục trong năm trước đó:
Đối với giao hợp qua đường hậu môn: Kiểm tra nước tiểu và mẫu lấy từ niêm mạc trực tràng.
Đối với quan hệ bằng miệng: Mẫu niêm mạc vòm họng.
Nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis
Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis của Tổ chức WHO.
Chlamydia sinh dục không biến chứng.
Azithromycin 1 g uống một liều duy nhất hoặc.
Doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày hoặc một trong những lựa chọn thay thế sau:
Tetracycline 500 mg uống 4 lần/ngày trong 7 ngày.
Erythromycin 500 mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày.
Ofloxacin 200 - 400 mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày.
Nhiễm Chlamydia hậu môn trực tràng
Trong trường hợp nhiễm Chlamydia ở hậu môn trực tràng, doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày có hiệu quả hơn so với azithromycin 1 g uống một liều duy nhất.
Nhiễm Chlamydia ở phụ nữ có thai
Azithromycin hiệu quả hơn erythromycin và amoxicillin. Amoxicillin hiệu quả hơn erythromycin.
Azithromycin 1 g uống một liều duy nhất hoặc;
Amoxicillin 500 mg uống 3 lần/ngày trong 7 ngày hoặc;
Erythromycin 500 mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày.
U hạt lympho sinh dục (Lymphogranuloma venereum – LGV)
Ở người lớn và thanh thiếu niên, dùng doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày trong 21 ngày hiệu quả hơn so với azithromycin 1 g uống mỗi tuần trong 3 tuần.
Thực hành tốt quy định việc điều trị LGV, đặc biệt đối với nam giới quan hệ tình dục đồng giới và những người nhiễm HIV.
Khi chống chỉ định doxycycline, nên thay thế bằng azithromycin.
Khi không có phương pháp điều trị nào, thay thế bằng erythromycin 500 mg uống 4 lần/ ngày trong 21 ngày.
Doxycycline chống chỉ định cho phụ nữ có thai.
Nhiễm khuẩn Chlamydia pneumoniae
Bệnh do Chlamydia pneumoniae thường tự giới hạn và bệnh nhân có thể không cần chăm sóc. Điều trị bệnh cho từng trường hợp cụ thể bằng thuốc kháng sinh:
Macrolides (azithromycin) - liệu pháp đầu tay.
Tetracycline (tetracycline và doxycycline).
Fluoroquionolones.
Không nên kê đơn tetracyclin cho trẻ em trong những trường hợp thông thường.
C. pneumoniae kháng các loại kháng sinh penicillin, ampicillin và sulfonamide (in vitro) nên không được khuyến cáo điều trị.
Các triệu chứng nhiễm C. pneumoniae có thể xuất hiện trở lại sau một đợt dùng kháng sinh thông thường hoặc ngắn ngày. Nếu được chẩn đoán nhiễm trùng dai dẳng sau khi điều trị cần thực hiện một đợt điều trị thứ cấp.
Nhiễm khuẩn Chlamydia psittaci
Điều trị bằng tetracycline hoặc doxycycline trong 10 - 21 ngày và thường có đáp ứng nhanh chóng. Một số bệnh nhân bị mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài trong 2 - 3 tháng sau khi hết bệnh cấp tính.
Có thể thực hiện một đợt điều trị dài hơn để ngăn ngừa tái phát.
Erythromycin là một giải pháp thay thế tetracycline nhưng có thể kém hiệu quả hơn trong những trường hợp nghiêm trọng.
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp an toàn. Không quan hệ trong thời gian điều trị bệnh lây qua đường tình dục do Chlamydia trachomatis.
Hạn chế tiếp xúc với người khác trong thời gian điều trị các bệnh trên đường hô hấp do Chlamydia.
Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng và sử dụng chất khử trùng.
Chế độ dinh dưỡng:
Hạn chế hoặc không sử dụng đồ uống chứa cồn hoặc caffeine.
Giảm lượng chất béo bão hòa bằng cách hạn chế thịt đỏ, sữa nguyên chất béo và bơ.
Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E và khoáng chất như rau củ tươi, trái cây, cá, hạnh nhân, ô liu và bơ...
Tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, quả hạch và hạt; rau mầm và men vi sinh như sữa chua để tăng cường sức mạnh, cải thiện tiêu hóa và bổ sung enzym tự nhiên để tiêu diệt vi khuẩn Chlamydia có hại.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục. Bao cao su được sử dụng đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục làm giảm nhưng không loại bỏ nguy cơ lây nhiễm.
Hạn chế số lượng bạn tình của để giảm nguy cơ cao bị nhiễm Chlamydia và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Nếu đang trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là nếu có nhiều bạn tình, nên tầm soát Chlamydia và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Tránh thụt rửa vì nguy cơ làm giảm số lượng vi khuẩn tốt trong âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Thường xuyên vệ sinh lồng chim, nơi nuôi gia cầm. Kiểm tra sức khoẻ của thú cưng và gia cầm trước khi mua, chỉ mua tại những nơi bán uy tín.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất khử trùng.
Che miệng bằng ống tay áo phía trên khuỷu tay, hoặc bàn tay nhưng cần phải rửa ngay lập tức.
Tránh chạm vào mắt mũi miệng bằng tay chưa được vệ sinh.