Tin tức / Vận động phù hợp thể trạng

Vận động phù hợp thể trạng

TTO - “Mỗi người nếu có chế độ vận động thể lực, rèn luyện sức khỏe phù hợp với cơ thể, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và một cuộc sống lành mạnh, tích cực, như vậy thực sự đã là hạnh phúc”.

Vận động phù hợp với sức khỏe mỗi ngày 30 phút cho cơ thể khỏe mạnh - Ảnh: Hữu Khoa
Vận động phù hợp với sức khỏe mỗi ngày 30 phút cho cơ thể khỏe mạnh - Ảnh: Hữu Khoa

Ông Nguyễn Quốc Khánh - giám đốc điều hành nghiên cứu và phát triển, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - chia sẻ như vậy khi trò chuyện với báo Tuổi Trẻ về chương trình “10.000 bước chân - Thay đổi cuộc sống”.

Hãy nhấc người lên!

Ông Quốc Khánh chia sẻ: Cuộc sống hiện nay tốt hơn trước rất nhiều. Chúng ta có thể thấy rất nhiều tiện nghi, thiết bị tự động khắp nơi. Chỉ cần ngồi một chỗ có thể kết nối tất cả mọi việc. Ví dụ như điều khiển từ xa cho tivi, quạt máy hay mua sắm online, chỉ cần ngồi một chỗ đặt hàng, trong thời gian rất ngắn sẽ được mang đến tận nơi, chi phí vận chuyển lại rẻ...

Cuộc sống tiện nghi có lợi ích giúp con người tiết kiệm thời gian, thuận tiện trong cuộc sống. Tuy nhiên mặt bất lợi là làm cho con người ít vận động. Vì thế, thói quen vận động trước nay đã ít, giờ lại còn giảm, đặc biệt là cư dân ở các thành phố lớn. Trong khi vận động là yếu tố quan trọng mang lại sức khỏe cho con người.

Không chỉ ở thành thị mà ở đâu đó nông thôn hiện nay cũng đã bắt đầu có thói quen ít vận động.

* Vậy chúng ta cần làm gì để thay đổi thói quen và tạo cơ hội để vận động nhiều hơn, thưa ông?

- Chúng ta có thể tận dụng cơ hội để vận động mọi lúc mọi nơi. Người làm văn phòng có thể đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy. Thay vì đặt hàng online thì mình đi siêu thị, đi chợ, cũng là một cách mình vận động cơ thể. Ai có thời gian thì có thể đi bơi, chơi thể thao, tập yoga hay đơn giản như làm công việc nhà.

Có nhiều cách, nhiều cơ hội để vận động cơ thể. Đi bộ cũng là cách vận động đơn giản, hiệu quả. Ai, lứa tuổi nào cũng cần vận động, nhưng vận động tùy theo thể trạng, sức khỏe của mình. Người 20 tuổi vận động khác với người 40 tuổi, khác với người 80 tuổi.

Với những người có bệnh lý thì cần tham khảo các chuyên gia y tế để có các vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý của riêng mình. Người bệnh tim thì vận động khác với người bệnh về phổi...

Thanh thiếu niên vận động bằng nhiều môn thể thao hợp độ tuổi - Ảnh: Quang Định
Thanh thiếu niên vận động bằng nhiều môn thể thao hợp độ tuổi - Ảnh: Quang Định

 

* Để có sức khỏe tốt thì bên cạnh vận động, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng. Vậy dinh dưỡng như thế nào là hợp lý?

- Dinh dưỡng hợp lý là phải phù hợp với dạng vận động, điều kiện hoạt động và thể trạng của từng người. Ví dụ như người tập tạ cần dinh dưỡng khác với người đi bộ, người thừa cân cần chế độ dinh dưỡng khác với người nhẹ cân, dinh dưỡng cho những người đi bộ đơn giản hơn đối với những người vận động mạnh...

Không bàn về yếu tố tinh thần, dinh dưỡng vật chất bao gồm không khí, thức uống, thức ăn. Và vận động là một cách dinh dưỡng dưới dạng thể chất. Khi vận động, máu huyết mới lưu thông và mang các dưỡng chất đến những nơi xa nhất của cơ thể. Vận động và dinh dưỡng là các yếu tố mình hoàn toàn chủ động điều chỉnh, thay đổi để có sức khỏe tốt.

* Theo ông, chương trình “10.000 bước chân - Thay đổi cuộc sống” có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng một xã hội vận động?

- Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn, tạo cảm hứng và cơ hội cho người dân, khuyến khích mọi người có chế độ tập thể dục, vận động cơ thể, có lối sống lành mạnh, mang lại sức khỏe cho chính mình.

Để thay đổi thói quen này không phải là dễ, cần phải có động lực, duy trì hằng ngày. Ý tưởng về 10.000 bước chân mỗi ngày đã được đưa ra, cần thổi bùng ngọn lửa đó lên. Điều quan trọng là để người dân hiểu được cái đó mang lại lợi ích cho họ thì họ sẽ thay đổi thói quen.

Tôi nghĩ 10.000 bước là phép tính quy đổi cho các hình thức vận động, có thể chia nhỏ cho nhiều lần vận động, hoặc đơn giản chỉ là đi chợ, đi bộ trong văn phòng... nên không có gì là khó.

Mong rằng lãnh đạo các cấp sẽ tạo được môi trường, không gian để người dân có thể vận động được nhiều hơn. Dân giàu thì nước mạnh. Sức khỏe là vàng. Muốn dân giàu thì phải có sức khỏe tốt thì chắc chắn là có động lực cho đất nước phát triển.

Khi người ta thấy được lợi ích rồi, người ta sẽ có động lực. Và động lực đó sẽ dẫn dắt người ta đi. Và tôi nghĩ khi người ta đã có thói quen đi bộ hay tập thể dục thể thao rồi thì sẽ thấy ghiền, khó bỏ.

Phát động chuỗi sự kiện “10.000 bước chân - Thay đổi cuộc sống”

Báo Tuổi Trẻ chính thức ra mắt chuỗi sự kiện “10.000 bước chân - Thay đổi cuộc sống” giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8-2017.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ và Hội Sinh viên - Hội Liên hiệp thanh niên VN TP.HCM phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), mong muốn góp phần làm thay đổi nhận thức về vận động và dinh dưỡng nhằm xây dựng một xã hội vận động, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân.

Lễ phát động chương trình sẽ quy tụ hơn 5.000 người gồm lãnh đạo các ban ngành từ T.Ư đến TP, học sinh - sinh viên, người lao động, văn nghệ sĩ... diễn ra từ 6h-9h sáng 14-5 tại đường Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM với các hoạt động đi bộ đồng hành, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu với nghệ sĩ...

Bạn đọc tự do tham gia đi bộ cùng chương trình và giao lưu với các khách mời tại sự kiện.

Ban tổ chức sẽ dành tặng các phần quà, áo và mũ cho những bạn đọc có đăng ký tham gia sớm (đăng ký họ tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc gởi chị Thanh Hà: 0934073394 hoặc email: tranph@tuoitre.com.vn).

M.H. - L.S.

Khiêu vũ cũng là vận động - Ảnh: Quang Định
Khiêu vũ cũng là vận động - Ảnh: Quang Định


Quy đổi 10.000 bước chân mỗi ngày

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Để đạt 10.000 bước chân mỗi ngày, quãng đường tương đương cho việc đi bộ sẽ vào khoảng 6km. Thời gian tương ứng là khoảng 60 phút nếu đi bước nhanh (để tập luyện tích cực) hoặc 70 phút nếu đi nhanh vừa phải.

Nếu chỉ vận động nhẹ nhàng thì mỗi người nên cần khoảng thời gian dài ra một chút. Ví dụ: người đi bộ nhanh trong 60 phút sẽ tương đương với người chạy bộ chậm khoảng 30-40 phút, và người đi bộ vừa phải trong 90 phút.

Như vậy, chúng ta có thể tạm quy đổi việc đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày với các phương thức như sau:

1/ Bơi lội tích cực trong 60 phút.

2/ Nếu là hoạt động khiêu vũ, thì điệu nhảy chậm sẽ tương ứng khoảng 90 phút, và điệu nhảy nhanh sẽ tương ứng với 30 phút.

3/ Đối với hoạt động yoga, mức quy đổi tương đương sẽ vào khoảng 90 phút.

4/ Đối với người nội trợ, thường xuyên làm công việc nhà, thì việc lau nhà có dùng sức hoặc việc hút bụi trong 60 phút, hay quét dọn nhà cửa trong khoảng 90 - 120 phút có thể được quy đổi tương đương.

5/ Đối với người thường xuyên làm công tác chăm sóc hoặc bế bồng trẻ nhỏ, thì việc chơi với trẻ trong khoảng 60 phút cũng sẽ được quy đổi tương đương.

6/ Đối với những người làm công việc tắm chó hay dắt chó đi dạo, việc quy đổi tương đương sẽ tương ứng khoảng 60 phút...

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ cần vận động cường độ trung bình 30 phút trở lên mỗi ngày và thực hiện ít nhất 5 ngày trong tuần là đã có tác dụng tốt đối với sức khỏe mỗi người. Cường độ trung bình được định nghĩa là vận động làm tăng nhịp tim và nhịp thở (như thở hổn hển). Và cường độ cao được định nghĩa là thở đứt quãng (thường xảy ra ở người trẻ).

Đối với người muốn giảm cân thì cần phải ứng dụng trên 60 phút vận động với cường độ trung bình trở lên mới hiệu quả. Còn với người bình thường thì nên vận động mỗi ngày 30 phút, với mật độ năm đến bảy ngày trong một tuần.

Riêng đối với thanh niên, lời khuyên của các chuyên gia là nên vận động gấp đôi so với người bình thường.

Theo các chuyên gia y tế, đối với những người chưa có thói quen vận động thì nên bắt đầu vận động từ ít đến nhiều, không nhất thiết phải đi đủ 10.000 bước chân mỗi ngày.

Hầu hết đối với người chưa từng vận động, nhất là đối với khối văn phòng thường ngồi làm việc là chính, sẽ dễ có cảm giác ngán ngại khi phải tập ngay 60 phút mỗi ngày.

Các chuyên gia khuyến khích mọi người nên thường xuyên đứng dậy, bước ra ngoài, năng động trong mọi hoạt động, tự mình làm một số công việc cơ bản cho mình, thay vì phải nhờ đến dịch vụ.