Bệnh / Răng - Hàm - Mặt/ Sưng nướu

Sưng nướu

Sưng nướu/ Sưng lợi: Nguyên nhân và cách điều trị

Nướu bị sưng một vấn đề phổ biến và trong hầu hết các trường hợp, chúng không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, nướu bị sưng kéo dài hơn 1 - 2 ngày có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn như viêm nướu, viêm nha chu hoặc áp xe răng. Có nhiều phương pháp điều trị sưng nướu răng hiệu quả tại nhà và vệ sinh răng miệng cơ bản có thể giúp ngăn ngừa vấn đề này.

Tìm hiểu chung

Sưng nướu là gì?

Nướu là mô thịt mềm, có tác dụng nâng đỡ và bảo vệ răng. Nướu bị sưng, còn được gọi là sưng nướu, thường bị kích ứng, nhạy cảm hoặc đau, có thể là một dấu hiệu của kích ứng, nhiễm trùng hoặc chấn thương nướu và răng. Nướu bị sưng có màu đỏ thay vì màu hồng bình thường. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sưng nướu

Sưng nướu đơn giản đầu tiên sẽ tăng độ sâu rãnh nướu, tiếp theo là gây đỏ, viêm nướu dọc theo một hoặc nhiều răng, sưng phồng nhú lợi và dễ chảy máu, thường không đau. Viêm có thể hết, ở mức độ nông trong nhiều năm, hoặc đôi khi tiến triển đến viêm quanh răng.

  • Viêm quanh thân răng là quá trình viêm gây đau và cấp tính của vạt lợi răng (lợi trùm) trên răng đã mọc một phần, thường là quanh răng hàm lớn thứ 3 hàm dưới (răng khôn). Nhiễm trùng là phổ biến, có thể phát triển thành áp xe hoặc viêm mô tế bào. Viêm quanh thân răng thường tái phát khi thức ăn bị mắc kẹt bên dưới vạt lợi. Lợi trùm sẽ biến mất khi răng mọc hoàn toàn. Nhiều răng khôn không mọc hết và được gọi là răng ngầm.

  • Trong thời kỳ mãn kinh, có thể xảy ra viêm nướu bong vảy. Nó được đặc trưng bởi mô đỏ nâu, đau và dễ chảy máu. Trước khi bong vảy thì có thể có các mụn nước. Nướu mỏng là do các tế bào sừng hóa có khả năng kháng lại sự mài mòn của thức ăn không hiện diện. Một tổn thương lợi tương tự có thể có liên quan với Pemphigus vulgaris, pemphigoid bọng nước, pemphigoid màng nhầy lành tính, Lichen phẳng dạng teo.

  • Trong khi mang thai, thường xảy ra sưng tấy, đặc biệt là vùng nướu. 

  • Tiểu đường không kiểm soát được có thể làm tăng sự ảnh hưởng của các yếu tố kích thích nướu, thường gây nhiễm trùng thứ phát và áp xe nướu cấp tính.

  • Trong bệnh bạch cầu, nướu bị sưng ứ bởi thâm nhiễm bạch cầu, các triệu chứng lâm sàng là nề, đau, và dễ chảy máu.

  • Trong bệnh Scorbut, nướu bị viêm, phì đại, căng ứ, và dễ chảy máu. Trong miệng có thể xuất hiện các đốm xuất huyết và các vết bầm.

  • Trong bệnh pellagra (thiếu vitamin PP), nướu viêm, dễ chảy máu, và dễ bị nhiễm trùng thứ phát. Ngoài ra, môi đỏ và nứt, cảm thấy miệng khô, lưỡi bóng và đỏ tươi, lưỡi và niêm mạc có thể bị loét.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh sưng nướu

Nếu không điều trị, sưng nướu có thể phát triển thành nhiễm trùng nghiêm trọng ở nướu như:

  • Viêm nướu, hoặc dẫn đến viêm nha chu.

  • Áp xe lợi.

  • Viêm quanh răng khu trú hoặc lan tỏa. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Sưng nướu

  • Mảng bám và cao răng.

  • Viêm nướu là một giai đoạn của bệnh nướu răng gây sưng tấy và kích ứng nướu. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến nướu bị sưng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, viêm nướu cuối cùng có thể dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều là viêm nha chu và có thể mất răng. 

Viêm lợi thường là kết quả của việc vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ trên đường viền nướu và răng. Mảng bám răng là một lớp màng bao gồm vi khuẩn và các mảnh thức ăn lắng đọng trên răng theo thời gian. Nếu mảng bám vẫn còn trên răng trong một vài ngày, nó sẽ trở thành cao răng.

  • Suy dinh dưỡng: Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B và C có thể gây sưng nướu. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) sưng nướu?

Mang thai gây ra những thay đổi đáng kể và nhanh chóng trong nội tiết tố. Những hormone thay đổi này có thể làm tăng lưu lượng máu đến nướu, khiến nướu nhạy cảm hơn với tình trạng sưng tấy.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) sưng nướu

  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do nấm và vi rút có thể gây sưng nướu răng. Các biến chứng do răng bị nhiễm trùng, chẳng hạn như áp xe, cũng có thể dẫn đến sưng tấy, đặc biệt là ở một vùng của lợi.

  • Thiết bị nha khoa: Các thiết bị nha khoa được trang bị, chẳng hạn như niềng răng, mắc cài và răng giả có thể là một trong những nguyên nhân gây sưng hoặc đau nướu. Nướu của bạn thường sẽ thích ứng với thiết bị theo thời gian, nhưng nếu vẫn không ngừng gây khó chịu, hãy chia sẻ với nha sĩ để được điều chỉnh hoặc lắp lại cho vừa vặn.

  • Nguyên nhân khác: Thuốc, các thành phần trong kem đánh răng/nước súc miệng,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sưng nướu

Đánh giá lâm sàng:

  • Có mảng bám răng ở răng giáp bờ viền nướu, có thể thấy bằng mắt thường hay chất nhuộm màu mảng bám răng.

  • Thay đổi hình thể của lợi: Bờ lợi, nhú lợi sưng, phù nề, phì đại tạo nên túi lợi giả.

  • Thay đổi màu sắc của lợi: Lợi bình thường màu hồng nhạt chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc đỏ sẫm.

  • Độ săn chắc giảm: Bình thường lợi săn chắc, ôm sát cổ răng nhưng khi bị viêm thì giảm độ săn chắc và tính đàn hồi.

  • Chảy máu: Tự nhiên hay khi khám.

Để phát hiện bệnh sớm, một số nha sĩ đo định kỳ độ sâu của túi lợi quanh mỗi từng răng. Độ sâu < 3mm là bình thường; sâu hơn thì có nguy cơ cao bị viêm lợi và viêm quanh răng.

Phương pháp điều trị sưng nướu hiệu quả

Điều trị bao gồm các bước sau:

  • Hướng dẫn vệ sinh răng miệng.

  • Làm sạch các chất bám trên bề mặt răng như cao răng, mảng bám và các chất màu.

  • Dùng nước súc miệng có tác dụng kìm khuẩn hoặc sát khuẩn cho những người không thể làm sạch mảng bám răng bằng các biện pháp cơ học như bị tật, đang phẫu thuật vùng miệng, hàm mặt, mang khí cụ nắn chỉnh răng.

  • Loại bỏ các yếu tố tại chỗ phối hợp làm tăng sự tính tụ mảng bám răng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Sưng nướu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Sử dụng nước muối súc miệng có thể tăng cường sức khỏe răng miệng và làm dịu viêm nướu. Một lần súc miệng bằng nước muối đơn giản, chỉ cần khoảng 1 thìa cà phê muối trong 1 cốc nước ấm. Mọi người nên để muối tan hết, sau đó ngoáy nhẹ hỗn hợp trong miệng khoảng 30 giây rồi mới nhổ ra. Rửa tối đa ba lần mỗi ngày có thể giúp giảm sưng nướu tạm thời.

  • Uống nhiều nước. Nước sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt, làm suy yếu vi khuẩn gây bệnh trong miệng.

  • Tránh các chất kích thích, bao gồm nước súc miệng mạnh, rượu và thuốc lá.

  • Đặt một miếng gạc ấm lên mặt để giảm đau nướu. Một miếng gạc lạnh có thể giúp giảm sưng.

  • Bôi dầu đinh hương vào nướu răng có thể làm giảm đau và sưng.

  • Đánh răng cẩn thận. Nhẹ nhàng chải những vùng nướu bị đau, sưng hoặc chảy máu.

  • Đối với những người bị loét miệng, bổ sung vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như sắt và vitamin B12, có thể giúp giảm đau nướu.

Chế độ dinh dưỡng:    

  • Tránh thức ăn có thể gây kích ứng hoặc làm xước nướu cũng có thể hữu ích trong khi chúng đang lành. Những ví dụ bao gồm: Thực phẩm có tính axit (cam, quýt, cà chua,…), thực phẩm sắc nhọn hoặc dễ trầy xước, thực phẩm cay.

Phương pháp phòng ngừa Sưng nướu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Chải răng thường xuyên, ít nhất hai lần mỗi ngày hoặc sau mỗi bữa ăn.

  • Dùng chỉ nha khoa thường xuyên.

  • Sử dụng các sản phẩm nhẹ nhàng cho răng miệng như kem đánh răng và nước súc miệng.

  • Tránh đồ uống có đường, vì chúng có thể góp phần tích tụ vi khuẩn trong miệng.

  • Tránh thuốc lá, kể cả hút hoặc nhai nó.

  • Tránh cồn và nước súc miệng có cồn, vì cồn có thể làm khô và kích ứng nướu.

  • Tránh các thức ăn sắc nhọn như khoai tây chiên, hạt và bỏng ngô vì chúng có thể mắc vào răng và gây đau.

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng sức đề kháng.

  • Khám răng định kỳ: Nên 6 tháng khám kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các bệnh răng miệng và loại trừ cao răng, mảng bám răng.

Bệnh liên quan